Nắm giữ trong tay tập đoàn đa ngành với nhiều thương hiệu lớn từ ngân hàng, khách sạn đến sân golf, bán lẻ,… người phụ nữ đầy quyền lực Nguyễn Thị Nga là một người khá kín tiếng với khối tài sản khổng lồ.
Lọt Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á năm 2019 theo bình chọn của Forbes, bà Nguyễn Thị Nga thường được gọi với cái tên Madame Nga là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Madame Nga có trong tay một khối tài sản khổng lồ khi sở hữu Tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tài sản lớn như cổ phần tại ngân hàng SeABank, hàng loạt bất động sản, khách sạn, sân golf cùng nhiều khu nghỉ dưỡng khác,…Hiện bà đang là Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch Intimex và Phó Chủ tịch thường trực tại SeABank.Theo công bố của Tạp chí Forbes về danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014”, bà Nguyễn Thị Nga đứng vị trí số 29 và là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, cho tới hiện tại giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Nga vẫn là một con số bí ẩn.
Bà Nguyễn thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo Tập đoàn kinh tế.
Khởi nghiệp với Tập đoàn BRG từ những năm 1993 với lĩnh vực ban đầu là kinh doanh xuất nhập khẩu, sau gần 30 năm gây dựng, bà Nguyễn Thị Nga đã đưa BRG trở thành một tập đoàn đa ngành có tiếng trên thương trường.
Bén duyên với ngành ngân hàng vào năm 2000 khi trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), hai năm sau bà Nga được bầu giữ̃ chức vụ Phó Chủ tịch ngân hàng này, khi đó bà cũng đang sở hữu sân golf Quốc tế đảo vua, Đồng Mô, Sơn Tây. Năm 2005, bà trở thành Chủ tịch thay cho ông Lê Kiên Thành trong khoảng thời gian giữa hai nhiệm kỳ.
Năm 2006, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà Nga đã đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT SeABank và nắm giữ chức vụ này cho tới năm 2019 do quy định của Luật Các TCTD mới, Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được phép làm Chủ tịch hay TGĐ các doanh nghiệp khác.
Tuy vậy, bà Nga vẫn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT thường trực tại SeABank và con gái bà là Lê Thu Thủy (SN 1983) vẫn tham gia điều hành với vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng (từ năm 2018).
Không chỉ nổi tiếng trong giới ngân hàng, bà Nga còn được mệnh danh là “bà trùm” trong mảng khách sạn, sân golf và bán lẻ. Bà Nga cũng khá kín tiếng trong các thương vụ mua bán của mình, đồng thời cũng ít xuất hiện trên truyền thông.
Một trong những thương vụ kinh điển mà bà thực hiện là thâu tóm khách sạn Hilton Hanoi Opera, thương vụ kéo dài trong 4 năm (2009 – 2012) và chỉ được tiết lộ khi đã thực hiện đến phút chót, giá trị thương vụ được ước tính hơn 52 triệu USD.
Tiếp nối sau đó là loạt thương vụ mua lại khách sạn Thắng Lợi (nay là Hilton Hanoi Westlake) và Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ đối tác Singapore với giá 31,5 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tập đoàn BRG còn sở hữu gián tiếp nhiều khác sạn cao cấp tại nhiều tỉnh thành phố lớn tại Việt Nam như khách sạn 6 sao Four Seasons Hotel Hanoi; Mondial Hotel Huế; Asian Hotel (TP HCM); Sheraton Đà Nẵng hay Hilton Hai Phong and Residences,… đồng thời nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu lớn của các công ty kinh doanh khách sạn lớn.
Trong lĩnh vực sân golf, một trong những mảng kinh doanh đầu tiên của BRG, Tập đoàn sở hữu nhiều sân golf lớn cùng với tổ hợp nghỉ dưỡng đi kèm như: BRG Kings Island Golf Resort (Sơn Tây – Hà Nội); BRG Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn – Hà Nội); BRG Đà Nẵng Golf Resort; BRG Ruby Tree Golf Resort (Hải Phòng);…
Ngoài ra, Tập đoạn BRG của bà Nga còn là chủ của các chuỗi bán lẻ như BRG Mart và Fujimart với hơn 100 siêu thị trên khắp cả nước.
Nhắc đến SeABank, người ta không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Madame Nga trong quá trình đổi thay và phát triển của ngân hàng trong suốt 15 năm qua kể từ ngày bà tham gia quản trị. Liên tiếp những sự kiện làm thay đổi cả về chất và lượng của ngân hàng.
Hai năm sau khi bà Nga về SeABank, ngân hàng này có cổ đông nước ngoài đầu tiên là đối tác chiến lược Socíeté Générale với 15% vốn sở hữu. Những năm sau đó, cổ đông này tiếp tục mua thêm để nâng sở hữu lên mức tối đa 20%. Cổ đông này đã rút vốn khỏi SeABank vào năm đầu năm 2019 và từ đó ngân hàng khoá room ở mức 0% và vào ngày 13/8 mới đây nới lên 5%.
Đầu năm 2010, SeABank đánh dấu bước “chuyển mình” khi chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu để phù hợp với chiến lược kinh doanh bán lẻ. Chỉ 5 năm sau đó, SeABank đã đạt được những bước tăng trưởng ấn tượng với mạng lưới hoạt động tăng gấp 2,2 lần lên gần 160 điểm trên toàn quốc, tổng tài sản tăng gấp 2,6 lần so với 2009.
Hình dung về bà Nga, hầu hết ý kiến đều đánh giá bà là một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm và luôn có sự chuẩn bị kỹ càng. Vị doanh nhân này chia sẻ: “Bất kể làm công việc gì, tôi ở tâm thế mình đi thi. Tôi phải chuẩn bị tốt nhất có thể, để đảm bảo thi là đỗ và đỗ với điểm cao”.
Có lẽ vì vậy, dưới thời bà Nga, SeABank đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng gần 15 lần từ 500 tỷ đồng (2006) lên 7.688 tỷ đồng (năm 2018). Tính đến tháng 6/2021, mức vốn điều lệ của ngân hàng đã đạt 14.785 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với năm 2006 và dự kiến tăng lên 16.598 tỷ đồng trong năm nay.
Tổng tài sản của ngân hàng tăng gấp 14 lần từ 10.200 tỷ đồng năm 2006 lên 140.487 tỷ đồng vào năm 2008. Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng là 186.934 tỷ đồng, tương đương tăng 18 lần so với năm 2006.
Lợi nhuận trước thuế của SeABank cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. Nếu như lợi nhuận ngân hàng năm 2006 chỉ đạt 137 tỷ đồng thì đến tháng 6/ 2021, mức lợi nhuận đã tăng gấp 11 lần lên 1.557 tỷ đồng.
Theo VietnamBiz