Asia-Pacific Amateur Championship là bệ phóng để các golfer nghiệp dư châu Á vươn mình ra Thế giới.
Với mong muốn phát triển và tạo ra một sân chơi đỉnh cao dành cho các golfer nghiệp dư châu Á trước khi bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, Liên đoàn golf châu Á – Thái Bình Dương (APGC) đã cho ra đời Asia-Pacific Amateur Championship(AAC) vào năm 2009. Kể từ đó cho tới nay, AAC đã trải qua 11 năm hình thành và phát triển, cũng như trở thành giải đấu số 1 dành cho các golfer nghiệp dư thuộc châu Á – Thái Bình Dương.
Mỗi năm, 120 golfer nghiệp dư xuất sắc nhất châu Á – Thái Bình Dương sẽ có cơ hội tham dự Asia-Pacific Amateur Championship. Trước khi giải đấu được tổ chức, APGC sẽ gửi thư mời tham dự tới 42 Quốc gia thành viên trực thuộc liên đoàn. Hai golfer có thứ hạng cao nhất trên BXH Golf nghiệp dư Thế giới (WAGR) của mỗi Quốc gia thành viên sẽ nghiễm nhiên có suất tham dự Asia-Pacific Amateur Championship.
Nếu Quốc gia nào chỉ có một hoặc không có golfer nào có thứ hạng trên WAGR, thì họ sẽ được chỉ định một hoặc hai golfer có handicap từ 5.4 trở xuống để tham dự giải đấu. Phần còn lại của giải đấu sẽ được ban tổ chức gửi thư mời dựa trên vị trí của các golfer trên BXH WAGR và được lựa chọn từ cao tới thấp. Mỗi Quốc gia thành viên chỉ có tối đa 6 golfer góp mặt tại Asia-Pacific Amateur Championship. Riêng nước chủ nhà được đặc cách có 10 golfer tham dự giải đấu.
Một trong những điều khác biệt cũng như điểm thu hút của Asia-Pacific Amateur Championship chính là việc giải đấu có sự liên kết mật thiết với ban tổ chức The Master và The Open Championship. Theo đó, nhà vô địch của Asia-Pacific Amateur Championship sẽ được đặc cách tham dự 2 giải Major này với tư cách golfer nghiệp dư. Trong khi đó, á quân của giải đấu sẽ được tham dự vòng loại mở của The Open Championship. Đây là con đường ngắn nhất để một golfer tới từ châu Á có cơ hội được trải nghiệm cảm giác thi đấu tại 2 trong số 4 sự kiện danh giá nhất của làng golf Thế giới.
Sau 11 lần tổ chức, Asia-Pacific Amateur Championship đã ghi nhận 9 nhà vô địch khác nhau tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc. Trong số đó, golfer thành công nhất sau khi giành vô địch giải đấu là Hideki Matsuyama. Sau khi 2 năm liên tiếp vô địch Asia-Pacific Amateur Championship (2010-2011), golfer người Nhật Bản chính thức bước lên chuyên nghiệp vào tháng 4 năm 2013. Anh nhanh chóng trở thành hiện tượng của làng golf Thế giới khi kết thúc trong top 10 tại The U.S. Open 2013 và lọt vào top 50 Thế giới khi mới chỉ 21 tuổi, cùng với đó là tấm thẻ tham dự PGA Tour. Kể từ đó tới nay, Hideki Matsuyama đã dành được 6 danh hiệu trên PGA Tour, trong đó đáng chú ý nhất là chức vô địch tại The Masters 2021. Anh trở thành golfer nam đầu tiên của Nhật Bản dành chiến thắng tại một giải Major.
Với golf Việt Nam, Trương Chí Quân là golfer đã quá quen thuộc với Asia-Pacific Amateur Championship bởi anh đã từng 4 lần tham dự giải. Ngay tại lần đầu tham dự vào năm 2015, Trương Chí Quân đã trở thành golfer Việt Nam đầu tiên vượt cắt và xếp hạng 58 chung cuộc. Năm 2016, anh cải thiện được thành tích khi kết thúc giải ở vị trí 46 – thứ hạng cao nhất của Trương Chí Quân cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hai lần gần nhất tham dự vào năm 2017 và 2019, Á quân của FLC Vietnam Masters 2020 đều không thể vượt qua cắt loại.
Ngoài Trương Chí Quân, những tài năng trẻ khác của Việt Nam là Đặng Quang Anh và Nguyễn Bảo Long đều đã từng thử sức mình ở sân chơi này vào năm 2019. Trong khi Đặng Quang Anh không thể vượt qua cắt loại, thì Nguyễn Bảo Long kết thúc ở vị trí thứ 66 chung cuộc. Dù không đạt thứ hạng cao, nhưng việc được thi đấu với các golfer hàng đầu trong khu vực sẽ giúp các tài năng trẻ của golf Việt Nam tích lũy thêm những kinh nghiệm vô cùng quý báu để hướng tới thành công trong tương lai không xa.
Theo: ictvietnam.vn