u lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chơi golf hoàn toàn có thể trở thành một “kho báu” của kinh tế Việt Nam.
Du lịch golf hiện nay đang là xu hướng và một trong những ngành dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho các Quốc gia tại châu Á. Trong đó, Nhật Bản được biết tới là quốc gia tiên phong cho việc phát triển du lịch golf tại châu Á. Ngay từ những năm 1980, đất nước mặt trời mọc đã nhận thấy tiềm năng của ngành dịch vụ này và lên kế hoạch cho xây dựng hàng nghìn sân golf. Tới thời điểm hiện tại, Nhật Bản có tới hơn 2500 sân golf và hàng năm du lịch golf vẫn chiếm từ 6-7% tỉ trọng GDP của xứ phù tang.
Không chỉ ở trong nước, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản còn mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á. Thái Lan và Malaysia là những quốc gia có sự phát triển du lịch golf sớm hơn cả trong khu vực ASEAN. Trong đó, Thái Lan được mệnh danh là thủ đô golf của châu Á với hơn 300 sân golf có thiết kế độc đáo, dịch vụ đa dạng, đội ngũ caddy được đào tạo bài bản, chi phí chơi golf rẻ, đang hoạt động tại Quốc gia này.
Do đó, hàng năm các sân golf tại đất nước Chùa Vàng đã trở thành những lựa chọn hàng đầu của các golfer trên toàn thế giới. Đặc biệt trong đó là những golfer đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc và những golfer đến từ những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Theo thống kê, lượng khách Quốc tế tới Thái Lan du lịch là khoảng 35 triệu người mỗi năm, 8-9% trong số đó tới xứ chùa vàng để trải nghiệm những sân golf vô cùng thách thức. Du lịch golf vẫn đều đặn mang về cho Thái Lan hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi năm, đóng góp trung bình tới 9% GDP của Quốc gia này.
Để có được thành công như ngày hôm nay, chính phủ Thái Lan đã thực hiện một cách bài bản phát triển sân golf khá đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước trong qui hoạch phát triển du lịch golf. Du lịch golf được coi là một trong bốn cột trụ của ngành “công nghiệp không khói” tại Thái Lan. Chính vì vậy, chính phủ nước này đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch golf nhằm biến Thái Lan trở thành: Điểm đến giải trí chất lượng cao mang đậm phong cách Thái.
Thực trạng du lịch golf tại Việt Nam
Golf du nhập vào Việt Nam và Thái Lan gần như là cùng thời điểm, nhưng mức độ phát triển của ngành công nghiệp này ở hai Quốc gia lại có sự khác biệt rất lớn. Về cơ bản, Việt Nam cũng giống như Thái Lan được coi là một trong những điểm đến ưa thích của các du khách trên toàn Thế giới. Tuy nhiên, khác với người hàng xóm, du lịch golf vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ tại Việt Nam.
Theo thống kê của tổng cục du lịch vào năm 2018, trong số hơn 15,5 triệu khách quốc tế tới Việt Nam, chỉ có 0,8% kết hợp du lịch và chơi golf, trong đó chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Con số này thực sự là quá nhỏ so với tiềm năng du lịch golf tại Việt Nam. Nếu con số này có thể tăng lên 8-9% như Thái Lan thì hàng năm du lịch golf sẽ mang về cả trăm triệu USD doanh thu cho nền kinh tế của Việt Nam.
Một trong những lý do khiến du lịch golf không thu hút được khách du lịch quốc tế là chi phí chơi golf tại Việt Nam cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Phí chơi golf ở Việt Nam hện nay cao hơn khoảng 1.5 lần so với Malaysia và Thái Lan. Việc giảm giá thành chơi golf ở Việt Nam là một mục tiêu cần phải đạt được trong thời gian sớm nhất để tăng tốc sự phát triển ngành công nghiêp golf Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu như Thái Lan hay Malaysia là điểm đến thường xuyên của các giải đấu lớn trên Thế giới như Asian Tour hay LPGA Tour. Thì các sân golf tại Việt Nam hiếm khi có được vinh dự này. Điều này khiến cho hình ảnh và tên tuổi của các sân golf tại Việt Nam không được quảng bá nhiều tới bạn bè Quốc tế.
Thực trạng du lịch golf tại Việt Nam
Việt Nam cũng được xem là thị trường “vàng” cho du lịch golf. Tạp chí Forbes từng đánh giá Việt Nam là quốc gia có sự phát triển golf nhanh bậc nhất thế giới. Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 60 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các sân golf hầu hết đều mới được xây dựng, thiết kế hiện đại và có đủ khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất trong khu vực. Với lợi thế ổn định về thời tiết, được xây dựng tại những địa điểm có cảnh quan đẹp, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nên Việt Nam thu hút được đông đảo người chơi golf trong nước và quốc tế.
Mới đây nhất, Việt Nam còn được bầu chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới và châu Á tại lễ trao giải thưởng golf thế giới lần thứ 8 (World Golf Awards). Đây là năm thứ 2 Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng điểm đến golf tốt nhất thế giới (2019, 2021) và năm thứ 5 liên tiếp được công nhận là điểm đến golf tốt nhất châu Á (2017-2021) của Giải thưởng Golf thế giới.
Đây là bàn đạp không thể tốt hơn để du lịch golf Việt Nam có sự bứt phát trong năm 2022. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự chung tay của chính phủ, các cấp quản lý và cả các doanh nghiệp kinh doanh sân golf trên cả nước.
Đầu tiên chính phủ cần có những biện pháp giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất để giảm một phần gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh sân golf. Từ đó, các sân golf cũng sẽ có cơ hội để giảm chi phí chơi golf để kích cầu du lịch đối với các du khách cả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cần phải tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến golf chất lượng ở Việt Nam, nhất là tại các hội chợ golf lớn, uy tín trong khu vực và trên thế giới, quảng cáo trên các kênh thông tin, truyền hình lớn và chuyên về chơi golf. Kết hợp quảng bá du lịch golf trong các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường du lịch trọng điểm, đồng thời là các thị trường tiềm năng phát triển du lịch golf.
Xét về tiềm năng dài hạn, du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chơi golf hoàn toàn có thể trở thành một kho báu của du lịch Việt, trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới về thị trường golf.