Vốn được biết đến là thú tiêu khiển của “giới quý tộc”, golf không chỉ là nơi golfer thể hiện niềm đam mê, khao khát chinh phục những thử thách trên sân mà còn là nơi gặp gỡ giữa các doanh nhân, chính trị gia.
Và thực tế có nhiều thương vụ lớn đàm phán thành công và ký kết ngay trên sân golf. Điều này càng chứng tỏ, chơi golf giúp điều hành hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Sân golf là nơi gặp gỡ của những doanh nhân
Tại Việt Nam, câu thành ngữ “Buôn có bạn, bán có phường” không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm đúc kết của người đi trước, mà giờ đây là câu cửa miệng của giới kinh doanh mà thậm chí là kim chỉ nam trong hoạt động làm ăn nữa. Bởi lẽ, thay vì ký hợp đồng hợp tác với những cái tên doanh nghiệp lạ lẫm, những gương mặt chưa từng gặp thì những ông chủ lớn thường lựa chọn những đối tác thân tín. Và chính niềm đam mê với golf và chính trên sân golf những đối tác lớn đã gặp nhau và cùng trao nhau cơ hội phát triển.
Cùng quan điểm về vấn đề này, giáo sư Bill Walsh của Planning@Syracuse trả lời trên tạp chí Forbes – một tạp chí uy tín của Mỹ. “Nếu bạn ăn trưa với đối tác, bạn chỉ có khoảng thời gian một giờ hoặc lâu hơn một chút. Nhưng trên sân golf, bạn sẽ có cơ hội hiểu đối phương hơn kể từ khi bắt đầu trận đấu cùng nhau. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, với sự phổ biến của hội nghị truyền hình, golf chính là một trong những môn thể thao cuối cùng giúp bạn có thể duy trì phương thức liên lạc cá nhân”.Sân golf thường xuyên hiện bóng dáng của những ông chủ, nhà điều hành doanh nghiệp, vì vậy không cần phải đặt lịch hẹn bạn vẫn có thể gặp được những con người quyền lực này ngay tại sân golf một cách tình cờ. Cùng với đó, thời gian chơi golf tương đối dài, giúp người chơi có thể trao đổi, tìm hiểu thêm những vấn đề mới mẻ.
Bén duyên từ việc chơi golf phục vụ kinh doanh, đã xuất hiện nhiều CEO trở thành những tay golf kỳ cựu, thường xuyên tham gia thanh tài tại những giải đấu tiếng tăm. Theo thống kê từ tạp chí Forbes trong bảng xếp hạng Fortune trong 500 người chơi golf có đến 90% các CEO đến từ những doanh nghiệp và 80% các giám đốc điều hành cho biết chơi golf giúp họ thiết lập những mối quan hệ kinh doanh mới. Trong đó, nữ giới chiếm 20% tổng số người chơi, nhưng 50% nhà điều hành đến với golf đều cho rằng môn thể thao này giúp họ thành công hơn.
Một tiết lộ thú vị nữa đó là những CEO thường xuyên chơi golf được trả lương cao hơn mức trung bình 17% so với những người không chơi. Điều này cho biết chơi golf là lợi thế không hề nhỏ đối với những doanh nhân.
Một khía cạnh khác khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu rằng golf giúp các nhà điều hành kinh doanh tốt hơn ra sao? Dẫn chứng từ những chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc. Đó là tập trung mở rộng nguồn tài chính cho các doanh nghiệp non trẻ và tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện.
Một quan chức Chính phủ cho biết: “Thị trường vốn mạo hiểm ở Hàn Quốc đang trong tình trạng “ảm đạm” kể từ khi sự bùng nổ của công nghệ thông tin kết thúc vào giữa những năm 2000. Kế hoạch mới nhất của Chính phủ là chú trọng, khuyến khích những người trẻ tài năng bắt đầu khởi nghiệp doanh nghiệp riêng của mình và hỗ trợ họ trên con đường phát triển”.
Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc tạo ra một quỹ trị giá 10 nghìn tỷ Won trong vòng 3 năm tiếp theo với mục tiêu giúp các công ty liên doanh sáng tạo có được nguồn hỗ trợ đầu tư cần thiết ngay từ những bước đầu đặt nền móng. Điều này chắc hẳn ai cũng biết. Nhưng một điều ít ai biết đến đó chính là chính sách thúc đẩy kinh tế này lại giúp ngành golf tại Hàn Quốc phát triển đứng thứ 3 thế giới với 3,06 triệu người chơi. Danh sách sân golf có sự mở rộng đáng kể từ 200 sân cuối năm 1998 cho đến khoảng 450 sân vào năm 2017.
Sở dĩ môn thể thao golf lại phát triển tại Hàn Quốc như vậy bởi những người kinh doanh tại Hàn Quốc tập tành chơi golf để có nhiều cơ hội tiếp xúc và hợp tác với những ông lớn. Cùng với đó họ xem sân golf là nơi tiềm năng để dễ dàng tìm kiếm những đối tác. Từ câu chuyện về tốc độ phát triển của ngành thể thao golf tại Hàn Quốc cũng phần nào lý giải vai trò của chơi golf trong việc điều hành và phát triển doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nữa.
Chơi golf giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực và học được nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
Chơi golf ngoài việc thiết lập mối quan hệ với những người đứng đầu doanh nghiệp còn giúp golfer giải tỏa những áp lực, căng thẳng thường gặp phải trong quá trình điều hành công ty. Chỉ cần bỏ ra một vài giờ đi bộ trên sân golf, đam mê cùng những cú đánh golfer sẽ thực sự thoát ra khỏi những ràng buộc, tái tạo năng lượng nhanh nhất.
Bên cạnh đó, golf là bộ môn đòi hỏi sự tập trung cao độ. “Nếu như đá bóng việc đưa một trái bóng được điều khiển trực tiếp bằng chân vào cầu môn đã khó, thì việc người chơi golf đưa quả bóng golf nhỏ xíu vào một hố nhỏ thông qua một cây gậy lại là thử thách vô cùng khó khăn với người chơi. Chính vì thế, nếu không có sự tập trung cao độ các tay chơi sẽ không có những cú Swing, hay cú gạt gậy Putt chuẩn và gặp nhiều trở ngại khi đưa bóng vào hố. Chính vì thế, khi chơi golf sẽ rèn luyện sự tập trung, tỉnh táo. Đây cũng là kỹ năng cần có của một người đứng đầu doanh nghiệp, họ sẽ có được sự tập trung cao độ khi suy nghĩ một vấn đề và đủ tỉnh táo để quyết định, tận dụng những cơ hội vàng để đưa doanh nghiệp lên tầm vóc mới” – Golfer Hoàng Long đến từ Hà Nội .
Chia sẻ về vấn đề này với Golf Việt, ông Thanik Khachonkittisakul cha của golfer trẻ người Thái Varuth Nguyễn cho biết: “Tôi thực sự, tôi không biết Varuth sẽ thành công như thế nào ở môn thể thao golf. Nhưng chúng tôi tin rằng, chơi golf sẽ giúp con chúng tôi có nhiều kỹ năng trong cuộc sống”.
Thực tế, không phải đằng sau tất cả những cuộc gặp trên sân golf đều là những thương vụ, và cũng có không ít thương vụ làm ăn đổ bể chỉ vì đối tác mất thiện cảm, lòng tin với nhau. Vì vậy, dù mới bắt tay xây dựng hay mối quan hệ lâu dài được thiết lập trên sân golf, golfer đừng quên tạo thiện cảm và chiếm giữ lòng tin của bạn chơi. Vậy làm thế nào để các tay golf, những ông chủ của doanh nghiệp có thể làm được điều này? Golf Việt hé lộ ở phần tiếp theo của bài viết này.
Cần làm gì để gây thiện cảm trên sân với người chơi?
Quả thực golf là một bộ môn mang đến nhiều thuận lợi trong hoạt động kinh doanh đi chăng nữa thì khi bước vào sân chơi này các tay golf hãy đặt tình yêu với chiếc gậy, bóng và lỗ golf trước nhé!. Bởi lẽ, trước khi có một thương vụ làm ăn lớn dài hạn thì trước mắt phải có trận đấu golf vui vẻ và thành công. Đó cũng là cách gây thiện cảm tuyệt vời cho người chơi và cũng có thể là đối tác tương lai của công ty và doanh nghiệp mình.
Trong cuốn Đắc Nhân Tâm từng chỉ ra, cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ là “đừng nói điều mình muốn nói mà hãy nói người khác muốn nghe”. Các tay golf nên áp dụng ngay điều này để bắt đầu câu chuyện trên chính sân golf. Đừng vội nói những chủ đề xa xôi, đừng nhắc đến những con số, chỉ số tăng trưởng hay dự án mới, hãy bắt đầu câu chuyện về golf. Đây là chủ đề mà cả bạn lẫn người chơi cùng đều cảm thấy hào hứng hơn cả.
Một trong những điều cực kỳ quan trọng nữa mà khi chơi golf bạn nên áp dụng đó chính là tuân thủ luật golf, thể hiện văn hóa ứng xử chừng mực. Ngoài những cú đánh, golfer nên thể hiện trên sân thì cách ứng xử, giao tiếp chừng mực rất quan trọng, bởi lẽ tất cả những hình ảnh đó sẽ ghim vào trí nhớ của các đối tác. Vì vậy đừng quên tôn trọng cách chơi của mình, tôn trọng người bạn cùng chơi và cả caddy nữa, điều này khiến người đối diện tin tưởng vào tài chơi golf cũng như tài cầm quân, điều hành doanh nghiệp của chính bạn.
Sân golf không chỉ là nơi gặp gỡ của những cá nhân, những người trong câu lạc bộ golf cùng đam mê mà còn là nơi khởi đầu của những cái bắt tay hợp tác vui vẻ và điểm đến của những thương vụ thành công. Tuy nhiên, sự hợp tác lâu dài nhất đều phải xuất phát từ chính khả năng nội lực và sự chân thành của mỗi người. Và tất nhiên, nếu đến với golf bằng tình yêu, đam mê ắt hẳn bạn sẽ được nếm quả ngọt.Ngoài ra, cũng đừng mãi nói chuyện mà quên mất việc quan trọng là chơi golf.
Hãy chứng minh khả năng chơi golf bằng những cú đánh tốt, trình diễn những kỹ thuật chơi golf và tập trung cao độ và tạo ra những thử thách cho đối thủ. Đừng quên nguyên tắc “Trăm nghe không bằng một thấy” tức là đối thủ sẽ quan sát cách chơi, từ đó sẽ đánh giá khả năng chơi golf của bạn. Nếu golfer là một tay chơi cừ thì lần sau, đối thủ sẽ tự nhấc máy và đặt cuộc hẹn chơi golf tiếp theo. Đây là cơ hội tốt để golf thủ có nhiều thời gian, tiếp xúc và cân nhắc về những hợp tác trong thời gian tới. Và biết đâu, trong những trận golf sau đó lại có thêm những tay golf lão luyện đến từ những tập đoàn lớn khác nữa.
Theo Golf Việt