Với dân số đông, thu nhập đầu người tăng nhanh, golf đã dần trở thành môn thể thao có tính đại chúng cao, mở ra dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn cho thị trường đầu tư sân golf ở Việt Nam.
Tiềm năng golf Việt Nam
Môn thể thao golf được du nhập vào Việt Nam từ năm 1922 khi vua Bảo Đại cho xây dựng sân golf đầu tiên (Golf Dalat Palace) tại Đà Lạt. Tuy nhiên, thời kỳ đó, golf gần như không phát triển và Golf Dalat Palace từng đóng cửa trong thời gian dài. Môn thể thao này chỉ bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi Việt Nam mở cánh cửa hội nhập với thế giới (đầu thập niên 90 của thế kỷ XX).
Theo số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao, hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động và đến 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động.
Golf cũng ngày càng phổ biến, không còn là môn thể thao “quý tộc”, chỉ dành cho giới nhà giàu như trước đây. Hiệp hội Golf Việt Nam cho biết số người chơi trong nước hiện vào khoảng 100.000 người, số người chơi ít nhất 2 lần một tháng là 30.000 người.
Mặt khác, Nghị định 52/2020 và Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) cho phép đầu tư sân golf trở nên dễ dàng hơn, khi các địa phương được chủ động quy hoạch sân golf, thay vì phải nằm trong quy hoạch quốc gia như giai đoạn trước.
Nhờ vậy, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố.
Nhiều địa phương theo đó đã bày tỏ mong muốn phát triển mạnh mẽ lĩnh vực golf. Đầu năm nay, UBND tỉnh Bắc Giang công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 13 sân golf. Hiện tại, đang có 3 dự án sân golf được thực hiện ở tỉnh này là Khu sân golf và dịch vụ Yên Dũng (huyện Yên Dũng), sân golf Việt Yên (huyện Việt Yên), sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang (huyện Lục Nam).
UBND tỉnh An Giang vừa mời gọi đầu tư dự án khu du lịch Hồ Tà Lọt kết hợp sân Golf, quy mô 120ha – một trong 30 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư trong năm 2022; Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cũng kêu gọi đầu tư dự án sân golf tại xã Long Phụng, huyện Long Phú với quy mô 90ha.
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: ”Với nhiều lợi thế trong tay như quỹ đất lớn, địa hình và khí hậu đẹp, tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng hạ tầng và tạo ra sản phẩm du lịch, đặc biệt là sân golf. Hiện nay, có một số đơn vị tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch tại Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf quy mô lớn tại khu vực Tà Đùng, trải rộng trên diện tích khoảng 23.500ha”.
Với những lợi thế kể trên, thị trường golf Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa tăng trưởng. Do vậy, không ngạc nhiên khi nhiều tập đoàn trong, ngoài nước đã và đang tham gia đầu tư sân golf. Dòng vốn tư nhân được kỳ vọng sẽ là đầu tàu đóng góp cho sự phát triển của thị trường golf Việt Nam
Loạt đại gia làm sân golf
Nhà đầu tư tham gia đầu tư sân golf sớm nhất Việt Nam là bà Nguyễn Thị Nga (“Madame” Nga) – người sáng lập Tập đoàn BRG. Cách đây hơn 2 thập kỷ, BRG của bà đã mua lại sân golf Đồng Mô (nay là sân golf Kings Island Golf Resort – quy mô 350ha, 1.500ha mặt hồ) thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Đây được coi là một dấu mốc quan trọng của thị trường trong nước khi golf là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ. Thời điểm này, chính Madame Nga cũng thừa nhận không biết gì về golf, cũng chưa bao giờ cầm gậy golf.
Sau khi tìm hiểu, bà Nga nhận thấy golf là loại hình kinh doanh tiềm năng vì “đất rất rộng, rất đẹp, người chơi thì đam mê” và “đây sẽ trở thành một dịch vụ không sợ ế”.
Kể từ đó đến nay, sau hơn 2 thập kỷ, bên cạnh sân golf Kings Island Golf Resort, tập đoàn của bà Nguyễn Thị Nga đã trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh sân golf, với các sân Ruby Tree (Hải Phòng), sân Legend Hill (Sóc Sơn, Hà Nội); sân BRG Da Nang Golf Resort (Đà Nẵng); sân Stone Valley đang triển khai tại Kim Bảng, Hà Nam.
Cái tên tiếp theo phải nhắc đến là VinGroup. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện có 6 sân golf trên toàn quốc, tổng diện tích đạt 912ha, gồm: Vinpearl Golf Nha Trang (Khánh Hòa); Vinpearl Golf Hải Phòng; Vinpearl Golf Phú Quốc; Vinpearl Golf Nam Hội An (Quảng Nam); và dự án sân tập golf Vinpearl Hà Nội (293ha). Ngoài ra, năm 2018, Vinhomes – đơn vị thành viên của Vingroup – đã trở thành cổ đông sở hữu 98% vốn điều lệ của GS Củ Chi, đơn vị phát triển dự án sân golf Củ Chi ở Tây Bắc TP.HCM.
Với Tập đoàn FLC, đơn vị này đã nhiều lần chia sẻ đầu tư sân golf là một trong những định hướng chiến lược kinh doanh. Tương tự Vingroup, các dự án sân golf của FLC đều nằm trong quần thể bất động sản nghỉ dưỡng, như: FLC Golf Links Quy Nhơn 100ha thuộc quần thể FLC Quy Nhon Beach & Golf Resort (Quy Nhơn); FLC Golf Links Sầm Sơn 80ha thuộc quần thể FLC Sam Son Beach and Golf Resort (Sầm Sơn, Thanh Hóa); FLC Golf Links Hạ Long 85ha thuộc FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort (Hạ Long, Quảng Ninh); FLC Golf Links Quảng Bình thuộc FLC Quang Binh Beach & Golf Resort (Quảng Bình).
Không chỉ FLC hay Vingroup, nhiều đại gia cũng tích hợp sân golf vào các dự án bất động sản nhằm gia tăng giá trị.
Có thể kể đến Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản với sân golf Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An) quy mô 70ha thuộc khu du lịch sinh thái Mường Thanh, sân golf Mường Thanh Xuân Thành (Hà Tĩnh) nằm trong quần thể dự án quy mô 112ha.
Vietracimex của đại gia Võ Nhật Thăng với dự án golf Sông Hồng (Hưng Yên) nằm trong tổ hợp sân golf 27 lỗ kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng và sinh thái quy mô lên tới 204ha. Bên cạnh đó, đơn vị này còn sở hữu Khu du lịch sinh thái, trung tâm đào tạo golf Minh Trí diện tích 180ha và dự án Hanoi Golf Club quy mô 102ha.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) với cụm sân golf PGA Ocean 36 hố nằm trong quần thể dự án NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận).
Bên cạnh những cái tên kể trên, nhiều tập đoàn lớn khác cũng tham gia đầu tư sân golf như: CTCP Đầu tư và Kinh doanh Long Thành của doanh nhân Lê Văn Kiểm với sân golf Long Thành (Đồng Nai) và KN Golf Links – Cam Ranh (Khánh Hòa); Tập đoàn Him Lam với hệ thống sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quy mô 156ha và Long Bien Golf Course (Hà Nội) – 119ha.
Ngoài ra, còn Tập đoàn Thành Công – chủ đầu tư tổ hợp sân golf Hoàng Gia lại Ninh Bình.
Nhiều doanh nghiệp xin đầu tư sân golf
Với dư địa và tiềm năng lớn, không ngạc nhiên khi thị trường golf Việt Nam vẫn đang tiếp tục bùng nổ với loạt nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
Tháng 3/2022, CTCP D&N Group (Hàn Quốc) có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đề xuất được khảo sát và lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf có quy mô 600ha, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn vào tháng 2/2022 đã có văn bản xem xét đề nghị của CTCP Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Midland về việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tổ hợp dịch vụ và sân golf Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng.
Tháng 11/2021, Tập đoàn BRG đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án sân golf quốc tế tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Khu vực mà BRG đề xuất có tổng diện tích 72,56ha, bao gồm đất ở, đất bằng trồng cây hằng năm, đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, một phần đất lâm nghiệp, đất mặt nước chuyên dùng, đất bãi rác, đất giao thông.
Một “ông lớn” khác là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vào tháng 1/2022 đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang), tỉnh Hải Dương.
Cuối năm 2021, Hòa Phát cùng KDI Holdings cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, gồm: Vùng kinh tế động lực công nghiệp – đô thị – dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf; quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP. Nha Trang…