Sau trận đấu với Hungary tại Nations League, Harry Kane sẽ có 3 tuần được nghỉ ngơi. Trong kỳ nghỉ này, tiền đạo của tuyển Anh sẽ đáp máy bay tới bờ biển phía Đông nước Mỹ để tham gia một giải đấu golf có tên Icons Series, với sự góp mặt của các ngôi sao từ khắp thế giới. Trong thế giới bóng đá, có không ít ngôi sao giống như Kane.
Câu hỏi đặt ra, là vì đâu cầu thủ bóng đá lại mê chơi golf đến vậy?
Làn sóng từ nước Anh
Những năm 1950, 1960, thế giới bóng đá đã chứng kiến nhiều cầu thủ đam mê chơi golf như Bob Paisley, Alf Ramsey hay Johan Cruyff. Nhưng phải đến năm 1966, một bước ngoặt thực sự đã đem golf trở thành môn thể thao được cầu thủ bóng đá thích thú.
Hai ngày trước trận bán kết World Cup 1966 gặp tuyển Bồ Đào Nha, HLV tuyển Anh là Alf Ramsey quyết định đưa các học trò của mình đến CLB Golf Finchley ở phía Bắc London để chơi golf. Hàng loạt bài báo lập tức lên kệ, chỉ trích Ramsey vì cách cầm quân của ông. Họ giữ quan điểm cho rằng chơi golf khiến cầu thủ dễ bị chấn thương khi vung gậy và môn thể thao này buộc người chơi phải đi bộ quá nhiều, có thể ảnh hưởng tới thể lực trước các trận đấu.
Điều bất ngờ là sau đó, tuyển Anh của HLV Ramsey giành chiến thắng 2-1 trước Bồ Đào Nha, đánh bại Tây Đức tại chung kết để lần đầu tiên vô địch thế giới. Golf, thay vì bị chỉ trích như trước, giờ đây được đem ra mổ xẻ lợi ích. Làn sóng cầu thủ chơi golf bùng nổ ở Ngoại hạng Anh.
Ở Tottenham, những cầu thủ như Harry Kane, Eric Dier, Ben Davies và Gareth Bale tạo thành một nhóm thường xuyên ra sân golf. Bale khi tới Real Madrid vẫn giữ thói quen này. Bất chấp những chỉ trích từ truyền thông và người hâm mộ ở Tây Ban Nha, Bale không từ bỏ đam mê của mình với môn thể thao được coi là quý tộc. Southampton có một nhóm dẫn đầu bởi James Ward-Prowse, tiền vệ người Anh đã sử dụng một cú xoay người trong gôn để ăn mừng khi ghi bàn.
Nhiều cầu thủ tại các giải vô địch các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Ý, Hà Lan trước đây không thích chơi golf. Thế nhưng, khi tới Anh chơi bóng, họ mau chóng bị thu hút mãnh liệt bởi văn hóa chơi golf ở xứ sương mù. Cựu cầu thủ Peter Odemwingie – từng khoác áo Stoke City, thổ lộ: “Họ nói rất say sưa về golf trong phòng thay đồ nên tôi bắt đầu cảm thấy sự khác biệt. Một lần, tôi đi qua một cửa hàng golf và quyết định mua trọn bộ đồ nghề chơi golf”.
Không chỉ cầu thủ, các huấn luyện viên cũng bị trò chơi này cuốn hút. Tham dự giải đấu với Kane tại Mỹ sắp tới có huấn luyện viên của Man City, Pep Guardiola. Huấn luyện viên Steve Bruce từng thuyết phục được John Terry ký hợp đồng với Aston Villa nhờ một trận chơi golf ở Bồ Đào Nha, hay báo chí Anh suy đoán một trong những lý do khiến Fabio Capello ngồi vào ghế HLV trưởng tuyển Anh là bởi tình yêu của ông dành cho môn golf tại xứ sương mù.
Ngoài tính truyền thống đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ, có nhiều lý do khác cuốn hút cầu thủ đến với golf.
Thứ nhất, golf mang lại lợi ích nhất định về mặt tinh thần cho các cầu thủ. Các cầu thủ chơi golf sẽ rất tốt vì khi chơi họ đi bộ nhiều, giúp thư giãn cơ bắp. Chơi golf còn giúp họ dành thời gian nhiều trong thiên nhiên, ít thời gian trên điện thoại hơn, ít căng thẳng hơn và điều đó tốt cho trạng thái tinh thần.
Thứ hai, golf giúp các cầu thủ gắn kết bên ngoài sân cỏ. Ray Parlour từng giúp Dennis Bergkamp học chơi golf trong những năm đầu ở Arsenal. Tình bạn giữa họ cũng được xây dựng bền chặt hơn qua những lần cùng vác gậy ra sân golf. Tại Aston Villa, Peter Crouch và Gareth Barry từng giúp tân binh Juan Pablo Angel hòa nhập với đội thông qua việc mở thẻ chơi golf tại CLB The Belfry. Câu chuyện tương tự xảy ra ở Liverpool khi Patrik Berger chuyển đến Anh vào năm 1996 hay thủ môn Pepe Reina năm 2005…
Golf chuyên nghiệp: Câu chuyện không dễ
Cựu tiền vệ MU, Keith Gillespie từng tự sự về cuộc đời bị hủy hoại trong cuốn sách mang tên “How Not to be a Football Millionaire” do máu cờ bạc khiến ông phải gánh khoản nợ 7 triệu bảng Anh sau khi giải nghệ. Keith Gillespie thì vậy, nhưng với cựu sao bóng đá chơi golf chuyên nghiệp thì sao? Phil Mickelson, Ernie Els và Darren Clarke đều xây dựng được tên tuổi khi chơi golf. Giải nghệ năm 30 tuổi, họ vẫn có thêm hơn 1 thập kỷ để phát triển ở một môn thể thao khác, có được danh tiếng, kiếm được thêm tiền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được như vậy. Jimmy Bullard từng tuyên bố muốn thử sức với vai trò một golfer chuyên nghiệp nhưng cho đến nay, anh chẳng kiếm được đồng nào tiền thưởng từ các giải đấu. Cựu danh thủ Alan Hansen nói: “Golf là môn thể thao có khoảng cách rất lớn giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Nếu bạn đặt một cầu thủ bóng đá nghiệp dư vào một đội bóng giỏi, anh ta có thể không xuất sắc nhưng có thể sẽ hòa nhập được chút ít, không đến nỗi tự làm xấu mình. Golf thì khác. Một giải golf nghiệp dư so với một giải Masters, bạn không chỉ nói về 2 giải đấu, đó là khoảng cách mất nhiều năm tháng mới có thể lấp đầy”.
Nên về cơ bản, Bale, Kane hay các danh thủ khác mê chơi golf vẫn đang coi môn thể thao này như một thú vui giải trí, làm sảng khoái tinh thần và dẻo dai cơ thể sau những trận cầu mệt mỏi.