Từng được coi là thú vui dành riêng cho giới thượng lưu, golf dần tiếp cận đến đông đảo cộng đồng xứ kim chi cùng chi phí hợp lý nhờ golf màn hình (screen golf) hay các phòng chơi golf giả lập.
Ứng dụng từ công nghệ thực tế ảo (virtual reality – VR) ở các phòng golf giả lập, golf 3D đã cho phép người chơi golf không mất nhiều thời gian di chuyển, nhất là ở khu vực cách xa sân cỏ thật và sẵn sàng đánh bóng sau giờ làm việc, với chi phí khoảng 20 USD cho một vòng 18 hố.
Đơn vị tiên phong cho văn hoá chơi golf trong nhà ở Hàn là Golfzon, với thiết bị golf giả lập đầu tiên được trình làng vào đầu những năm 2000. Các thiết bị của Golfzon tái hiện chi tiết địa hình, độ dốc những sân golf hiện có trên thế giới thông qua màn hình và cùng với máy, các cảm biến chuyển động đo tác động cú swing. Từ đó hiển thị quỹ đạo, xác định vị trí bóng rơi trên sân.
Theo khảo sát từ công ty này, khi rào cản về chi phí dần rút ngắn, số người chơi golf ở Hàn đã tăng 74%, từ 2,7 triệu người vào 2012 lên 4,7 triệu người vào năm 2017. Đà tăng trưởng này tiếp tục bùng nổ khi Covid-19 ập đến và ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, trong khi các sân golf khắp thế giới ghi nhận khoảng 37 triệu vòng golf mỗi năm thì riêng tại Golfzon, số lượt chơi vượt mốc 57 triệu ở các phòng golf màn hình.
Sức tăng phi mã của golf màn hình
Golfzon hiện đứng đầu ngành công nghiệp golf trong nhà, với 70% thị phần và 130.000 người chơi mỗi ngày. Năm ngoái, Golfzon đạt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 45,4 tỷ won (41,3 triệu USD) và doanh thu 224,5 tỷ won.
Ngược dòng thời gian về năm 2000, khi nhà sáng lập Kim Young Chan, hiện là chủ tịch tập đoàn bắt đầu gây dựng đế chế chỉ với năm nhân viên, không ai dự đoán được Golfzon sẽ thành công vang dội như hiện nay.
Ở thời điểm đó, nhiều trình mô phỏng golf đã ra đời nhưng đều là hàng nhập khẩu và giá trị cao, chỉ phục vụ trong những khách sạn cao cấp nhằm mục đích đào tạo. Bản thân là một golfer được khoảng 10 năm, ông Kim quyết định tìm kiếm một thiết bị giúp thu hẹp khoảng cách giữa những lần chơi trên sân thực và tập luyện trên sân tập.
Hai năm sau khi mở văn phòng tại Daejeon, nhóm của ông Kim phát triển thành công thiết bị golf giả lập đầu tiên, hoàn toàn được sản xuất tại Hàn Quốc và có lãi ngay năm đầu tiên. Doanh thu hàng năm đạt 1 tỷ won cũng tăng vọt theo năm tài chính sau đó.
Sau hơn một thập kỷ từ khi thành lập, tháng 5/2011, công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Kosdaq với giá trị thị trường 1.000 tỷ won và mở rộng đa dạng lĩnh vực kinh doanh, bao gồm bán lẻ, đào tạo và sân golf. Năm 2018, Golfzon hoàn tất thoả thuận mua lại Học viện Golf Leadbetter và Deca System – nhà sản xuất máy đo khoảng cách GPS GolfBuddy.
Phổ thông hoá môn golf
Golf màn hình hiện đã trở thành môn thể thao riêng của Hàn Quốc. Theo một cuộc khảo sát, 85,5% người chơi golf dưới hai năm được hỏi thường xuyên trải nghiệm ở phòng golf giả lập trong nhà, trong khi 59,1% trong số họ chưa từng đến sân thực ngoài trời.
Nhờ golf màn hình, nhiều người có cơ hội tiếp cận hơn và tận hưởng bộ môn này với năm phút đi từ phòng làm việc, thay vì mất hơn một giờ đến sân truyền thống cùng chi phí đắt đỏ hơn và đôi khi còn không thể đặt được chỗ nếu không phải hội viên.
Không chỉ chú trọng thị trường bản xứ, Golfzon còn mở bốn chi nhánh tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm qua 63 quốc gia với hơn 30.000 máy. Tại Việt Nam, “ông lớn” ngành golf giả lập này vào thị trường giữa năm 2019 và tháng 3/2021, cùng một doanh nghiệp Việt khai trương trung tâm golf giải trí quy mô mang tên DHA Golfzon ở TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc mở mới địa điểm, Golfzon cũng tổ chức những hệ thống giải golf 3D cho cả hai cấp độ nghiệp dư và chuyên nghiệp hàng năm từ 2012 để thu hút thêm người chơi. Năm ngoái, tổng tiền thưởng ở các giải đấu này đạt trên 10 tỷ won. Ngay cả khi không có sự kiện, golfer ở vị trí địa lý khác nhau vẫn có thể so tài nếu sử dụng cùng hệ thống.