Trọng lượng cán (shaft) gậy golf là bao nhiêu?
Ngày nay gậy golf ngày càng được thiết kế hiện đại hơn với độ nặng mỗi gậy khác nhau. Ngày nay gậy golf thường được làm từ 2 chất liệu là cán graphite và cán thép. Gậy được làm từ graphite thường có trọng lượng nhẹ và gậy thép sẽ có trọng lượng nặng hơn. Người chơi sẽ chơi tốt hơn với bộ gậy có nhiều biến thiên về trọng lượng cán gậy.
Độ nặng cán gậy golf thường ghi sẵn trên thân cán gậy và thường dao động từ 50 gram đến 130 gram. Độ nặng của cán gậy sẽ khác nhau giữa các flex (độ cứng) , Ví dụ như gậy driver XXIO mp 1000 cán graphite độ cứng R, SR, S sẽ tương đương với trọng lượng là 40g, 43g và 45g. Tương tự như vậy, một dòng cán sắt phổ thông khác là NS Pro 930 GH của XXIO Forged sẽ có trọng lượng 93g, 94g và 95g tương đương với các flex R (mềm phổ thông), SR (trung bình) và S (cứng) với cùng chiều dài tiêu chuẩn.
Đa phần bộ gậy golf đều được các nhà sản xuất gậy golf có độ nặng thay đổi dần theo các loại gậy phù hợp với mọi đối tượng chơi golf. Người có tốc độ đầu gậy chậm nên chọn gậy nhẹ và ngược lại người có tốc độ đầu gậy lớn nên chọn gậy có trọng lượng nặng. Cán gậy nặng sẽ giúp các golfer cảm giác “đầm tay” và dễ điều khiển gậy hơn, vì thế các golfer có thể lực tốt thường sử dụng.
Ngày nay, người chơi golf có xu hướng chọn gậy cán graphite thay vì gậy cán sắt ngay cả các golfer chuyên nghiệp. Các dòng gậy được các golfer lựa chọn là gậy Honma (cao cấp), Gậy Golf Nhật Bản Docus, Taylormade M4, Ping G400, GrandPrix, XXIO.
Cán gậy gồm những loại nào?
Ngày nay hai loại chất liệu phổ thông nhất được dùng để sản xuất cán gậy là graphite và thép, trong đó cán graphite được làm từ các sợi carbon tổng hợp và thép dùng làm cán gậy thường chỉ là thép không gỉ hoặc thép carbon, và thường được biết đến dưới tên gọi quen thuộc tại Việt Nam là cán “sắt”.
Trước đây cả bộ gậy thường được làm từ cán thép cho đến khi cán graphite lần đầu được phát triển và sử dụng vào năm 1970. Cán graphite có ưu điểm là nhẹ nên ngày nay luôn được sử dụng cho gậy driver và cũng khá phổ biến với các dòng gậy sắt. Trong khi đó cán thép thường sẽ mang lại cảm giác “đầm tay” do trọng lượng nặng hơn và có chi phí sản xuất thấp nên giá thành rẻ hơn khá nhiều so với các loại cán graphite.
Độ cứng cán gậy
Ngoài độ nặng của gậy thì độ cứng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng của gậy golf. Độ cứng (Flex) được nhà sản xuất ghi trên thân gậy golf và được ký hiệu như sau:
– L (ladies – nữ)
– R (regular – phổ thông)
– A (amateur – nghiệp dư)
– S (stiff – cứng)
– X (extra stiff – siêu cứng) hoặc các kí tự khác
Độ cứng và mềm của cán gậy sẽ phụ thuộc vào tiêu chuẩn của nhà sản xuất vì thế kí hiệu giống nhau không phải là độ cứng, mềm như nhau. Gậy của các thương hiệu Nhật Bản sẽ mềm hơn nhiều so với các thương hiệu của Mỹ. Ví dụ cán gậy Honma có độ cứng R thường mềm hơn nhiều so với cán gậy có độ cứng R của các hãng như Titliest, Callaway. Do đó người mới chơi thường lựa chọn gậy golf của các thương hiệu của Nhật vì gậy mềm sẽ dễ đánh hơn so với gậy cứng.
Chiều dài gậy golf
Trong bộ gậy golf gậy driver là gậy dài nhất trong bộ gậy golf thường có chiều dài là 45 inches. Chiều dài đúng chuẩn của gậy sắt 5 (có cán gậy làm bằng than chì) là 38 inches và số gia giữa gậy 3 tới gậy 9 là ½ inches. Tức là gậy sắt 3 dài 39 inches và gậy sắt 9 dài 36 inches. Số gia giữa gậy wedge phụ thuộc vào sở thích mỗi người và thường nhỏ hơn số gia gậy sắt – không quá ¼ inches.
Như vậy có thể thấy để lựa chọn gậy golf thì golfer cần quan tâm đến rất nhiều yếu tố. Trong đó, 3 yếu tố trọng lượng, độ cứng và chiều dài cán gậy golf là điều golfer cần quan tâm nhất để lựa chọn cho mình gậy golf phù hợp.
Người mới chơi chỉ nên dùng cán graphite còn người chơi tốt nên dùng cán sắt?
Những người mới chơi thường chưa có được tốc độ đầu gậy như khả năng tối đa của họ nên sẽ cảm thấy cán gậy graphite thân thiện hơn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa họ không nên bắt đầu tập với cán gậy sắt. Tất cả đều liên quan đến cảm nhận của người chơi cũng như kết quả đường bóng bay lên.
Cán gậy graphite phần lớn mềm hơn cán sắt nhưng bản thân chất liệu graphite với trọng lượng nhẹ không phải là yếu tố làm nên điều này. Có những dòng graphite cứng có thể làm đường bóng bay thấp và vì thế thậm chí còn được một số golfer chuyên nghiệp sử dụng.
Nếu bạn là người mới tập chơi golf nhưng trước đây có chơi nhiều môn thể thao khác thì có thể khả năng thích nghi của bạn sẽ nhanh và một số loại cán sắt có thể giúp bạn cảm thấy chắc tay và tập tốt ngay từ đầu. Cách dễ nhất để biết được loại nào phù hợp ban đầu chính là cách thử cả hai. Ngay cả khi mới tập chơi bạn cũng sẽ cảm nhận được 30 – 40g chênh lệch giữa cán graphite và cán sắt. Sự ổn định của đường bóng và cảm nhận cá nhân sẽ cho bạn câu trả lời.
Cán càng cứng đi càng xa, cán càng mềm càng “trợ lực”?
Cán gậy cứng sẽ phù hợp với những người có tốc độ đầu gậy tốt và nhịp chuyển nhanh giữa back swing và down swing. Họ đã có sẵn khả năng đánh bóng xa nên thường hay lựa chọn cán gậy như vậy chứ không phải ngược lại. Cán gậy mềm, thường là cán graphite, cong nhiều hơn ở phía gắn đầu gậy nên khi di chuyển theo lực li tâm người chơi sẽ cảm giác “vẩy” hơn do cánh tay đòn (cán gậy) có phần cong nhẹ nhờ cấu tạo bên trong và mật độ carbon của cán gậy.
Khái niệm “trợ lực” thường được dùng để chỉ những cán gậy dễ đánh, đơn thuần do đặc tính của loại cán gậy đó thường nhẹ, mềm, độ xoắn cao. Lưu ý rằng không phải cán graphite nào cũng sẽ cho bạn cảm giác “trợ lực”.
Cán R là tiêu chuẩn?
Thực tế không có một “tiêu chuẩn” nào được dùng chung cho tất cả các hãng, cũng tương tự như khi các golfer đi mua quần áo vậy, mỗi hãng sẽ có những số đo và tiêu chuẩn riêng. Cán R của hãng này cũng có thể sẽ nặng hoặc cứng tương đương cán S của hãng khác.
Các thương hiệu đến từ Nhật thường có cách phân loại cán L, R hay S khá “nhẹ nhàng”, trong khi đó các hãng gậy phương Tây thường có tiêu chuẩn cứng hơn khá nhiều nên golfers sẽ cảm thấy sự khác biệt rõ ràng khi so sánh hai loại cán cùng ký hiệu. Không những thế với gậy driver các dòng gậy Nhật thường có chiều dài tiêu chuẩn 46’’ với mục đích tăng tốc độ đầu gậy dựa vào chiều dài cán gậy và điều này cũng sẽ khiến cán gậy có cảm giác mềm hơn.
Các hãng khác như Titleist lại luôn sử dụng chiều dài 45’’ với các gậy driver tiêu chuẩn vì đây là chiều dài an toàn trước khi các golfer phải đứng quá xa bóng với cán gậy dài hơn và mất dần kiểm soát.
Trên thị trường hiện nay có một số hãng sản xuất cán SR như là một sự lựa chọn giữa S và R nếu golfer còn phân vân. Thực tế đây cũng chỉ là một cách ký hiệu sản phẩm và không phải hãng nào cũng có cán SR. Thông thường cán gậy SR sẽ chỉ tương đương với cán R của các hãng không có ký hiệu này. Cách chắc chắn nhất để biết cán gậy cứng mềm ra sao bạn nên đến các buổi demo sản phẩm của các hãng và cảm nhận chứ không nên chỉ dựa vào thông số của nhà sản xuất để chọn cán gậy cho mình.