26 năm sau khi tan giấc mơ trở thành ngôi sao bóng đá vì căn bệnh viêm võng mạc sắc tố, đam mê thể thao trong Chad NeSmith lại trỗi dậy nhờ golf.
Một ngày nọ, NeSmith và cậu học trò Malachi Johnson, 13 tuổi cùng đứng trên sân Brentwood Country Club. Dù cả hai đều không thể thấy mảng cỏ tróc bay theo từ cú đánh bằng gậy sắt của Johnson nhưng họ có thể nghe và cảm nhận chúng.
– “Em nghĩ mình đã sai chỗ nào?”, NeSmith hướng phía học trò.
– “Liệu có phải mất cân bằng không thầy?”, Johnson lưỡng lự phản hồi.
Câu trả lời đúng ý NeSmith và ông yêu cầu Johnson thực hiện lại một lần nữa.
Đoạn hội thoại trên là một trong những công việc thường ngày của NeSmith, một huấn luyện viên 51 tuổi, người cố vấn và là bạn của nhiều bạn trẻ bị khiếm thị mong muốn được chơi golf.
Từ giấc mơ bóng đá đến huấn luyện viên golf khiếm thị
Lớn lên ở Cullman, bang Alabama, NeSmith từ nhỏ mơ ước trở thành một cầu thủ bóng đá và có tình yêu lớn với đội bóng trường đại học Crimson Tide của bang. “Tâm trí tôi không có gì ngoài bóng đá từ khi lên 5”, NeSmith cho biết.
Tuy nhiên năm 12 tuổi, ông bắt đầu nhận thấy thị lực ngày càng giảm sút khi không phát hiện ra những cú sút đang hướng tới. Mọi chuyện tồi tệ hơn khi Smith đâm sầm vào cây mỗi lúc chơi cùng bạn bè chơi dưới ánh chiều tà. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố (hay còn được gọi là bệnh quáng gà), thường liên quan đến yếu tố bất thường về gen và dần dần khiến người mắc mất thị lực. Cùng với việc mất đi ánh sáng, hình ảnh cầu thủ bóng đá hay một HLV môn thể thao vua ngày nào của NeSmith cũng tan biến.
Biến cố ập đến bất ngờ nhưng nhờ sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè, NeSmith học được cách tiếp tục tiến về phía trước, đồng thời theo Đại học Alabama ở Tuscaloosa. Cũng tại đây, ông gặp vợ Patricia và lấy bằng tiến sĩ về cố vấn giáo dục. Nhờ đó, ông mở riêng một phòng tư vấn tư trong 13 năm, giúp tư vấn học tập cho gia đình có trẻ em không may khuyết tật.
Đam mê thể thao tưởng chừng đã chìm vào quên lãng cho đến năm NeSmith 36 tuổi, khi bà xã khuyên ông thử chơi golf. Chưa từng cầm gậy, song ông đã biết môn thể thao này khi theo dõi major The Masters trên TV.
Là một người thuận tay trái, ông gặp thêm không ít khó khăn những buổi đầu nhưng tinh thần thi đấu và mong muốn được cạnh tranh thì vẫn luôn ở đó sau nhiều thập kỷ. Golf dần trở thành kim chỉ nam, là mục tiêu mà NeSmith trước đó khi còn là một thiếu niên không bao giờ nghĩ đến: Trợ giúp những người trẻ khuyết tật như ông.
“Lúc chơi golf trên sân, tôi thực sự quên việc mình không nhìn thấy gì. Khi thực hiện được một cú đánh hay, nó mang lại cảm giác tuyệt vời của sự thành công bởi bạn biết đấy, bạn làm điều đó mà không thấy mặt đất”, NeSmith nói.
Người khiếm thị chơi golf như thế nào?
Nhờ sự giúp đỡ của huấn luyện viên hoặc nhân sự có chuyên môn, những golfer khiếm thị chơi tại sân giống như bao đấu thủ khác, ngoại trừ một ngoại lệ: Họ có thể để gậy chạm vào cát trong quá trình chuẩn bị cho cú swing. Người tư vấn trên cũng giúp họ hình dung bức tranh toàn cảnh ở mỗi hố, cách chơi, thiết lập tư thế và định vị mặt gậy để có một cú đánh tốt.
NeSmith đã dành hàng giờ để hoàn thiện cú đánh của mình, cùng với hỗ trợ từ bà xã Patricia. Ông đạt bảng điểm tốt nhất ở mức 79 gậy và đột phá sự nghiệp golf vào năm 2016, khi lần đầu tham gia một giải đấu và giành chức vô địch quốc gia dành cho golfer khiếm thị tổ chức tại Florida.
“Tôi thấy hạnh phúc như một đứa trẻ suốt nhiều tháng”, NeSmith thuật lại. Ông cũng thành công bảo vệ danh hiệu trong năm kế tiếp.
Ở cuộc trò chuyện với vợ sau chiếc cúp thứ hai, NeSmith nhận ra bản thân cần làm điều gì đó vượt qua phạm trù cá nhân. Ông nhớ lại những thách thức cả về mặt tinh thần và xã hội từng phải đối mặt của một người khiếm thị lúc trưởng thành rồi tự hỏi: Cuộc sống của ông sẽ thay đổi thế nào nếu ai đó đưa cho ông cây gậy golf từ khi còn là một cậu thiếu niên ở Alabama.
Tổ chức phi lợi nhuận mang tên “A Vision in Darkness” đã ra đời như thế, với mục đích giúp đỡ những trẻ em khiếm thị thông qua bộ môn golf.
“Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Tôi muốn tiếp tục lan toả thông điệp đến mọi người rằng golf khiếm thị có thể giúp bạn thay đổi”, NeSmith bày tỏ.
Giống như NeSmith, cậu học trò Johnson không khiếm thị bẩm sinh mà mới mất thị lực do căn bệnh di truyền vào năm ngoái. Trước đó, Johnson chơi bóng rổ.
Hồi tháng 5, bà Joy Greene Clopton, mẹ của Johnson đã liên hệ với NeSmith. Thông qua tổ chức phi lợi nhuận của mình, NeSmith đã mời mẹ con Johnson đến sân Brentwood tham gia các buổi học đều đặn hàng tuần trong suốt mùa hè qua. Cậu tiến bộ hàng tuần, nhờ phương pháp huấn luyện của NeSmith trong khi người mẹ đảm nhiệm vai trò “đôi mắt”.
“NeSmith đã giúp Malachi mở mang tầm mắt và nhận ra, việc mất thị lực không đồng nghĩa với tất cả”, bà Clopton cho biết.
Không chỉ là một vị huấn luyện viên golf, với Johnson, NeSmith còn là một người bạn, một người thầy cùng những bài học cuộc sống, về cơ hội học tập và các phương pháp ở trường đại học. Ông cũng tặng Johnson bộ gậy đầu tiên và hy vọng cậu có thể thi đấu như ông trong thời gian không xa.