SỰ TRUNG THỰC TRONG GOLF
Mỗi người đến với golf theo một cách khác nhau, anh có thể chia sẻ đôi chút về “sự nghiệp” chơi golf của mình?
Trước khi đến với golf tôi gắn bó với tennis trong nhiều năm, và đã từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ ngừng đánh. Tuy nhiên sau một ca chấn thương nặng ở lưng khiến tôi buộc phải chia tay tennis. Cũng trong thời gian đó tôi thường được nhiều anh em, đối tác qua công việc rủ đi chơi golf cùng, và tôi nhanh chóng cảm nhận thấy sự cuốn hút rồi quyết định đi học golf sau đó.
Giống như những môn thể thao khác, muốn chơi tốt đều phải có cơ bản, tập luyện nghiêm chỉnh. Thông thường, người chơi chỉ cần học một khóa cơ bản 4 tháng là đủ, tuy nhiên tôi đăng ký học 12 tháng, có kết hợp thực hành.
Sau gần 5 năm chơi golf, đến nay tôi vẫn tham gia đều đặn vào những khóa học nâng cao. Ai đó nói rằng Golf là “ma túy Xanh” thật sự đúng. Lúc nào Golf cũng khiến cho bản thân cảm thấy chưa hoàn thiện, lúc nào cũng như đi kiếm tìm những kết quả tốt hơn, bởi kết quả ngày hôm nay chưa đủ để đảm bảo một kết quả tốt ngày mai.
Vợ anh, golfer nữ Hồng Nhung cũng cuốn theo những “cám dỗ” của golf từ chồng
Theo anh, có cần xác định quan điểm của bản thân khi đến với môn thể thao này không ? Và điều này có dẫn tới những kết quả khác nhau?
Rất cần chứ. Như một golfer nổi tiêng đã từng nói đại ý rằng: “Golf là môn chơi chiến thắng chính bản thân mình”. Với tôi, golf mang tính chất giải trí, thư giãn, có thêm cơ hội giao tiếp, chia sẻ cùng với các bạn bè, đối tác. Đặc biệt hơn nữa, golf còn khai phá và rèn luyện cho tôi nhiều phẩm chất khác.
Có một điều thú vị là người ta khó che giấu nổi tính cách của mình trên sân golf. Bởi vậy, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều golfer tỏ ra cay cú, bực dọc sau những cú đánh hay vòng golf không như ý. Mỗi lần thấy vậy, tôi lại tự răn mình: “Ta tới đây để thư giãn và rèn luyện, tại sao lại đi rước cái bực vào người sau mỗi vòng golf nhỉ?”
Tương tự như vậy, nếu bạn xác định rõ mục đích của mình khi đến với golf, bạn sẽ có thể kiềm chế được sự gian lận. Nói hơi nặng nề, nhưng quả thật, golf là môn chơi dễ “ăn gian” nhất. Tôi có thể khẳng định, không ai chơi golf là không ăn gian cả, người nào ít nhất cũng 1 hoặc hai lần trong đời, hoặc với nhóm bạn trong một trận đấu độ, hoặc với…chính bản thân mình. Thử nghĩ xem, một mình một bóng giữa bao la đất trời và sân cỏ mênh mông, nếu chỉ “phá lệ” một chút thôi thì có Thánh mới biết. Kiềm chế được tư duy này cũng là một bài học thú vị mà golf đem lại.
Bản thân tôi cũng vậy, tôi còn nhớ trong một trận đấu hồi tôi mới bắt đầu chơi: trong một tình huống, quả bóng của tôi bị găm vào vị trí mép nước rất khó đánh được và tôi đã swing bằng… chân. Kết quả cả trận đấu đó tôi đánh khá tốt ngoại trừ cú xé rào đó. Thế nhưng rồi, tôi cảm thấy niềm vui không trọn vẹn và cảm giác ân hận, không thoải mái cứ đeo đẳng tôi đến ít lâu sau.
Tôi thường theo dõi các giải đấu chuyên nghiệp trên truyền hình, đây là một cách học hỏi tốt nhất từ các tay golf nhà nghề. Tôi học từ họ rất nhiều điều, không chỉ về kỹ thuật, chuyên môn mà còn về ý thức trong thi đấu, sự trung thực của bản thân mình.
Một điều đặc biệt nữa và cũng không kém phần thú vị, golf còn “huấn luyện” cho bạn tư duy chiến thuật, như thể cách sử dụng người của nhà quản lý vậy. Lưu ý rằng một bộ gậy có tới 14 cây, bạn buộc phải hiểu rõ chức năng và cách sử dụng chúng thuần thục nếu muốn chơi tốt.
Rồi trước mỗi hố golf, bạn còn phải lên kế hoạch, đề ra chiến thuật hẳn hoi, đánh đến điểm nào trước, điểm nào sau, tiếp theo dùng gậy gì…. Thậm chí còn phải có cả phương án dự phòng và đề ra sẵn cách xử lý tiếp theo. Ngoài ra chơi golf cũng cần linh hoạt, có lúc cần tấn công hoặc có lúc cần phủ thủ an toàn. Với mọi người thì không biết, chứ theo tôi, nếu không có gì đặc biệt thì thà “xấu đều con hơn tốt lỏi”.
ĐỪNG KHIẾN GOLF NHIỄM BỆNH THÀNH TÍCH
Anh đánh giá thế nào về phong trào golf và các giải đấu hiện nay?
Golf phát triển, các sân tập, sân golf mọc lên ngày càng nhiều, đương nhiên các giải đấu cũng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên chất lượng các giải đấu thì chưa được đánh giá cao, điều này có thể đến từ các nhà tổ chức cũng như bản thân người chơi.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nhà tổ chức nên xác định đối tượng cụ thể, hạn chế số lượng người chơi, để dễ kiểm soát hơn, tránh tình trạng lộn xộn, đặc biệt là vấn đề handicap. Thực trạng này luôn là vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng golfer Việt Nam.
Nguyên nhân phần là nhiều golfer tham gia giải đấu vì thành tích nên khai handicap không đúng với trình độ thực của mình, do đó gây ra những tranh cãi không đáng có, ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của môn thể thao golf.
Và cũng bởi vì thành tích nên có những golfer tỏ ra cay cú khi đánh hỏng. Có người thiếu kiềm chế thì đổ lỗi cho caddy, dùng những lời lẽ không hay, thậm chí cả có hành vi thô bạo với caddy làm ảnh hưởng đến bạn chơi, gián tiếp khiến cho môn thể thao đẳng cấp này bị một bộ phận trong xã hội “kỳ thị”.
Tôi có nhiều dịp cùng đối tác hoặc đi du lịch nên thường xuyên chơi golf tại nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà không có caddy phục vụ, ngoại trừ những sân golf “VIP” mà giá caddy nhiều khi đắt hơn green fee.
Điều đó mới thấy rằng, golfer ở Việt Nam quá sướng, golfer hầu như “mặc định” là có caddy, họ chỉ việc ung dung chắp tay và di chuyển hoặc buôn chuyện sau khi đánh bóng. Trong khi đó, nếu chơi golf những sân thông thường ở nước ngoài, bạn phải tự làm mọi thứ như tìm bóng, sửa divot, cào cát, đặt line…. Điều mà bất cứ golf thủ nào cũng thấy phiền phức, ngại ngần nhất là khi tâm trí đang mải mê theo những đường bóng.
Anh có nói đến sự trung thực trong golf. Đây là điều liên quan chặt chẽ đến handicap, vậy anh đánh giá thế nào về vấn đề handicap tại Việt Nam?
Vấn đề handicap ở Việt Nam chưa khi nào hết nóng. Ngoài các golfer là hội viên ở các CLB golf còn có thể có handcap chính thức thì những golfer không là hội viên thuộc các CLB thì họ có thể khai handicap thông qua những hệ thống: MISA Golf, OOB Golf, GLC…
Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa rằng handicap của các golfer là chính xác, kể cả những hội viên thuộc các CLB Golf, bởi tất cả phụ thuộc vào bản thân golfer, vào sự trung thực của họ.
Phần lớn golfer ít nhiều đều có tý “độ” nên dẫn đến việc khai handicap không trung thực nhằm tìm kiếm lợi thế. Thậm chí nhiều khi handicap không phản ánh chính xác trừ những nhóm chơi thân thiết, có điều kiện để giám sát lẫn nhau. Điều khiến tôi rất lấy làm ngạc nhiên là ở một số giải đấu phong trào, là những người có kết quả tới -10 gậy, một điều khá “phi lý” và mặc dù một số giải đấu hiện nay đã hạn chế xuống còn -2, nhưng vấn đề gian lận handicap này có lẽ phải còn lâu nữa mới có thể giải quyết triệt để.
TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC GOLF
Nhưng nhiều người lại lý luận rằng, phải đánh “độ” mới đánh có…trách nhiệm. Vậy hai điều này liệu có mâu thuẫn?
Đánh có trách nhiệm hay không là phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người chứ? nếu nói phải có “độ” mới đánh có trách nhiệm, vậy ra không còn chỗ cho sự đam mê, hay rèn luyện bản thân sao?
Tôi đã trò chuyện và chứng kiến nhiều bạn chơi, cũng như người dân ở các quốc gia có nền golf phát triển mạnh và lâu đời như: Mỹ, châu Âu, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc…Họ có một văn hóa mà tôi nghĩ rất đáng để học hỏi, đó là trước khi học golf, người chơi được dạy luật golf, hành vi ứng xử với bạn chơi, sân golf…Nếu không họ cũng tự tìm hiểu những điều đó trước khi chơi. Đó là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, những yếu tố này đã tạo ra văn hóa golf thực sự.
Có dịp chứng kiến một cặp vợ chồng già, cỡ 70-80 tuổi người châu Âu trên sân golf, họ sảng khoái, thư giãn, bắt tay và chúc tụng nhau sau mỗi hố golf, mới ý thức được giá trị tốt đẹp của môn thể thao này.
Tôi không có ý phê phán mà chỉ nói tới một khía cạnh của thực trạng golf rằng, ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn có quá nhiều golfer tỏ ra hiếu thắng, thường đặt kết quả lên hàng đầu.
Là bởi mỗi golfer đến với golf với những mục đích khác nhau, do đó quan niệm của họ đối với golf cũng khác nhau: thuần túy giải trí, nâng cao sức khỏe, giao lưu, đối ngoại, đánh độ, kiếm tiền,…Các golfer ở các nước phát triển cũng có đánh cá với nhau, nhưng thường chỉ là một chầu bia, một chầu ăn tại nhà CLB sau khi vòng golf kết thúc, họ coi đó là việc giải trí không hơn không kém.
Ý tôi là, đừng quá nặng nề, nhưng cũng không nên cẩu thả khi đến với golf. Hãy để golf giúp ta lấy lại cân bằng trong cuộc sống, và rất có thể, rằng giữa bao la đất trời cùng thảm cỏ, ai đó lại khám phá ra những điều tốt đẹp mới mẻ từ chính bản thân mình.
THÔNG TIN NHÂN VẬT
Họ và tên golfer: Nguyễn Quốc Bảo
Handicap: 10
Hội viên CLB Golf Sky Lake
* Phút gây phấn khích nhất: Năm 2015, ghi điểm Eagle đầu đời (hố số 1, sân Sky). Ở cú đánh thứ hai, từ khoảng cách 145 yards, bóng lăn vào hố trước sự ngỡ ngàng của bản thân và sự chứng kiến của vợ cùng các bạn chơi.
* Trải nghiệm đáng nhớ nhất: 5 lần liên tục phát bóng vào OB (hố số 7 sân Lake)
* Kỷ niệm “giật mình” nhất: Né kịp đường bóng ngược chiều của một golfer đánh bóng lạc fairway bằng cách núp sau xe điện. Bóng bay thẳng vào vị trí mắt, làm nứt vỡ cả tấm kính mica.
Theo Golfplus