Business Insider đưa tin, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy mức độ thiệt hại đối với thiên nhiên ở phía đông bắc Scotland do việc xây dựng sân golf của cựu Tổng thống Mỹ xây ở đó.
Theo đó, một sân golf được được khai trương tại Aberdeenshire, Scotland vào năm 2012. Trước đó, cựu tổng thống Mỹ đã mua lại một khu đất ven biển ở Scotland vào năm 2006 với mục đích “xây sân golf tốt nhất thế giới”.
Kế hoạch của chính trị gia Mỹ đã bị các nhà bảo tồn chỉ trích, tuy nhiên vào năm 2008 chính phủ Scotland đã ủng hộ ý tưởng của ông Trump và ghi nhận những lợi ích kinh tế của chúng.
Theo Business Insider, bản thân ông Trump cũng hứa rằng niềm đam mê chơi golf của ông sẽ không làm tổn hại đến thiên nhiên và tình trạng của các cồn cát ở Scotland, chúng sẽ chỉ được cải tạo nằm trong mức an toàn. Tuy nhiên, kết quả là “một phần của hệ sinh thái cực kỳ nhạy cảm” mà Trump International Golf Links xây dựng đã bị phá hủy.
Mới đây, Business Insider đã công bố các hình ảnh vệ tinh của Maxar được chụp cách nhau hơn 10 năm. Các hình ảnh từ năm 2010 cho thấy các cồn cát còn nguyên vẹn, trong khi vào tháng 4/2021, các bức ảnh đã cho thấy “hệ sinh thái cồn cát đã bị phá hủy”.
Trước đó, theo New York Times, ông Trump đã làm đình trệ việc thực hiện chương trình khí hậu đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden như thế nào.
Hàng trăm học giả và nhà phân tích chính trị đã rời bỏ chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump để phản đối thái độ của ông đối với các vấn đề môi trường.
New York Times cho biết, các thân tín ông Trump đã cắt giảm ngân sách nghiên cứu, sa thải các nhà khoa học hoặc buộc họ phải rời nhiệm sở. Do đó, hàng trăm chức vụ trong chính phủ đòi hỏi kiến thức chuyên môn về khí hậu vẫn bị bỏ trống, trong khi chính quyền ông Biden đang nỗ lực thực hiện các biện pháp đầy tham vọng để chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Ủy ban Khoa học Hạ viện cho thấy, dưới thời ông Trump, số lượng nhà khí hậu học tại Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã giảm gần một phần tư. Số lượng các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một bộ phận của Bộ Nội vụ và là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của quốc gia về khí hậu, đã giảm khoảng 8%.
Trong khi đó, khi tân Tổng thống Mỹ lên nắm quyền, các nhà khoa học và chuyên gia chính trị đã ra đi cũng không muốn trở lại vị trí cũ làm việc. Các quan chức liên bang cho rằng, điều này là do các chuyên gia không còn coi chức vụ khoa học của chính phủ là độc lập với chính trị. Ngoài ra, đến năm tới Quốc hội Mỹ mới có thể phân bổ ngân sách cần thiết để bổ sung hàng ngũ nhân sự cao cấp này.
Theo: infonet.vietnamnet.vn