Chị Vũ Thị Lệ – Trưởng nhóm Caddie sân golf Yên Dũng, Bắc Giang, người có gần 15 năm kinh nghiệm Caddie tại các sân golf ở hai miền Nam, Bắc sẽ chia sẻ những thông tin cần biết về nghề Caddie.
Caddie – Người kéo bao gậy golf: Làm giàu không khó
Golf là môn thể thao đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam, thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện. Trong môn thể thao này, người chơi cần có một người đi theo để mang vác dụng cụ, người này được gọi là caddie. Công việc hàng ngày của caddie là đi theo cùng với người chơi trên sân, mang bộ dụng cụ gồm túi cát, bộ gậy golf, banh, dù, khăn lau mồ hôi, v.v. Trên sân, nhiệm vụ của caddie là phục vụ “nhất cử nhất động” của golfer, từ đưa gậy, tìm banh đến đưa khăn lau mồ hôi hoặc che dù khi khách yêu cầu. Ngoài khách, caddie còn nhiệm vụ để mắt tới sân golf thường xuyên, sau mỗi cú đánh của golfer, caddie phải nhanh chóng sửa lại cỏ hoặc lấp lại cát chỗ người chơi vừa đánh bóng. Thật ra loại công việc mang tính “sec-via” này từ lâu đã bị loại bỏ ở châu Âu hay Mỹ, Australia. Các golfer phải tự phục vụ, kể cả tự lái xe di chuyển trên sân.
Nguyên do là vì giá thuê nhân công ở những nước này quá cao. Ở đó, nghề caddie mang tính chuyên nghiệp hơn là chỉ dừng lại ở công việc được phục vụ thông thường. Khi đó, caddie được xem là cánh tay phải của golfer trên sân golf, có khả năng đọc sơ đồ golf, tư vấn cho golfer về việc chọn gậy, đọc được độ nghiêng của sân, độ cao của cỏ giúp golfer đưa ra cách xử lý chuẩn xác để đưa bóng tới đích. Caddie cũng là người nắm vững luật chơi để khi cần có thể hướng dẫn và ghi điểm cho người chơi. Các tay golf nhà nghề thường thuê cho mình những caddie đi theo phục vụ riêng tại các giải đấu, tiền thưởng caddie được hưởng lên tới 10% giá trị giải thưởng. Giá trị của các giải thưởng golf quốc tế thường có giá vài triệu USD. Caddie còn có thể trở thành golfer giỏi và có thể xây dựng sự nghiệp golf, không chỉ dừng lại ở chữ “phận” mà hoàn toàn có thể tạo “danh” ở nghề golf.
Yêu cầu của Caddie
Trước đây, caddie được coi là nghề lao động phổ thông, làm những công việc phục vụ vặt vãnh. Yêu cầu của nghề này tương đối đơn giản, chỉ cần tốt nghiệp PTTH thậm chí một số sân golf chấp nhận các bạn tốt nghiệp PTCS, hình thức khá, sức khỏe tốt, dẻo dai và có thể chịu được áp lực về thời tiết trên sân. Caddie mới vào nghề được đào tạo tại chỗ từ 3 đến 6 tháng là có thể làm được. Mức độ lành nghề còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu và độ chịu khó của mỗi caddie. Có những bạn 6 tháng đã trở thành caddie giỏi, ngược lại có những bạn đào tạo 1 đến 2 năm vẫn chưa phục vụ khách hàng tốt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự bùng nổ về nhu cầu chơi golf của xã hội, caddie không chỉ là người vác gậy, che dù, lấy cát sửa lỗ golf mỗi khi khách đánh mỗi cú bóng xong mà caddie còn là người đồng hành với người chơi golf. Mức độ chuyên nghiệp trong tác phong phục vụ, khả năng ngoại ngữ tốt và các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết phục, thấu hiểu khách hàng để phục vụ tốt cũng là một trong những yêu cầu với caddie chuyên nghiệp.
Tùy theo quy định của mỗi sân golf, caddie có thể không được hỏi số điện thoại của khách, không được quá giới hạn cho phép, không được quá thân mật với khách, phải chuyên nghiệp lịch sự và đặc biệt phải trung thực và cẩn thận với tài sản của khách mang theo. Caddie còn cần phải là người kiên nhẫn đi theo khách thông thường từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ tương đương hàng chục km trên các sân golf rộng mênh mông, dưới trời nắng gay gắt. Caddie còn phải là người mềm mỏng, chịu được những cơn nóng giận vô cớ của khách, đặc biệt là khách Hàn Quốc vốn nổi tiếng nóng tính. Đến 80% lượng caddie hiện nay là nữ, độ tuổi từ 18-30. Trên thực tế ngoài sân tập, những câu chuyện cổ tích thời hiện đại: Đại gia – caddie vẫn xảy ra. Đây có thể được coi là một trong những cơ hội đổi đời cho các cô gái nông thôn nghèo.
Thách thức, khó khăn của nghề Caddie
Chị Lệ cho biết mỗi ngày một caddie phải đi bộ ít nhất là 7 km, tương đương độ dài một game chơi (18 đường golf). Nếu phục vụ cho hai nhóm chơi, caddie phải đi bộ 14 km/ngày. Họ không đi tay không mà phải kéo theo túi đồ nghề gồm vài chai nước, 14 cây gậy chơi golf, giày thể thao, bình quân mỗi túi nặng khoảng 10 kg. Caddie được trang bị nón rộng vành, áo mưa và một áo khoác nhiều túi. “Túi trái đựng thuốc lá, túi phải đựng điện thoại di động của khách (nhiều khách là doanh nhân mang theo cùng lúc 3 điện thoại di động), túi dưới đựng giấy bút để khách cần ghi là có ngay”. Có những khách vừa đánh golf, vừa nhậu, nên caddie phải mang theo bia, có khi túi phục vụ nặng tới hơn 30 kg.
Ở một số sân golf, caddie phải vác túi chứ chưa có xe để chuyên chở, nên nhiều caddie mới vào nghề, chưa quen việc thỉnh thoảng còn bị ngất xỉu do say nắng và kéo nặng ngoài trời nóng. Tại Sân golf Yên Dũng Bắc Giang, hơn 200 xe điện hiện đại đã được trang bị hỗ trợ người chơi và caddie nên việc này sẽ đơn giản hơn rất nhiều và không còn là thách thức lớn.
Trung bình, một người đánh thế lực banh sẽ bay xa khoảng 250 yard, tương đương 230m. Caddie có nhiệm vụ xác định đường banh bay, sau đó đi hoặc chạy để tìm banh, ước lượng khoảng cách từ banh đến lỗ golf và báo cho khách. Theo quy định, mỗi caddie có tối đa 5 phút để tìm ra banh. Nếu tìm không ra, không phải caddie mà là khách bị nhóm chơi của mình phạt, nên caddie phải tìm ra banh càng sớm càng tốt. Caddie không cần phải chơi golf giỏi nhưng nhất thiết phải biết luật chơi, biết hướng banh bay và biết cung cấp loại gậy phù hợp cho khách theo vị trí banh.
Caddie theo kiểu người phục vụ chỉ còn thông dụng ở các sân golf châu A, nơi các khách hàng thích làm chủ ngay cả khi chơi golf. Vì vậy việc của caddie ở đây là phải làm vừa lòng các ông chủ nhiều tiền với bất cứ giá nào. Bữa nào khách đánh lên tay, thắng liên tục, bữa ấy caddie được nhờ, có thể tiền “tip” rủng rỉnh hơn. Nhưng gặp bữa khách đánh hỏng liên tục, thì caddie chỉ cần chậm chạp một chút lúc đưa gậy, hay báo nhầm độ xa, thậm chí còn đơn giản là không kịp che dù cho ông chủ, là bị “ăn đòn miệng” xối xả, chứ đừng hy vọng tiền “tip”. Khách chơi golf ở Việt Nam phần lớn là người nước ngoài, trong đó các ông chủ châu A (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…) đông hơn cả nên bất đồng ngôn ngữ cũng rất dễ trở thành “ngòi nổ” khi ông chủ bực mình. “Phục vụ các ông chủ Việt Nam lúc nào cũng dễ chịu hơn, tiền “bo” cũng phóng khoáng hơn”, chị Lệ bật mí.
Thời gian làm việc của Caddie cũng là một thách thức. Caddie phải làm việc theo ca và theo thời gian chơi của khách. Thông thườngthì thời gian chơi của khách là từ 10 giờ sáng tới đêm khuya. Tuy nhiên, có những khách hàng lớn tuổi, không ngủ được nên ra sân tập từ 6 giờ sáng. Caddie phải đồng hành với khách trong những thời gian này. Khách hàng của sân golf cũng là những doanh nhân bận rộn nên họ thường chơi vào cuối tuần. Làm nghề caddie phải xác định làm việc vào những thời gian này và vào kỳ nghỉ. Đây cũng là cơ hội tốt, phù hợp cho các bạn sinh viên muốn làm thêm và kiếm thêm thu nhập.
Khó khăn tiếp theo là về trình độ và nhận thức. Do đa phần là các bạn mới tốt nghiệp PTCS, PTTH, một số là sinh viên đại học chưa xin được việc xác định làm tạm thời nên thái độ nghiêm túc với nghề chưa tốt. Các bạn rất hay nhảy việc hoặc làm việc không đều. Điều này ảnh hưởng tới dịch vụ của sân golf, chi phí và thời gian đào tạo caddie của các sân golf. Nếu các bạn xác định nghiêm túc với nghề thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong nghề nghiệp.
Cơ hội và thu nhập của Caddie
Ngoài cơ hội được làm việc thường xuyên ở nơi thiên nhiên thơ mộng, không gian thoáng đãng, những đồi cỏ xanh ngút mắt với những rặng cây xanh mát, hồ nước trong xanh, nơi người ngoài phải trả phí rất cao để được vào tản bộ thì caddie được trả tiền để làm việc trong đó. Caddie còn có cơ hội làm việc với những chính khách, những doanh nhân thành đạt, những doanh nghân giàu có và quan trọng là có cơ hội trở thành golfer chuyên nghiệp.
Nghề caddie – con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất để trở thành một golfer chuyên nghiệp, cũng tương tự những đứa trẻ nghèo lượm banh sân tennis có cơ hội thành những tay vợt hàng đầu. Các sân golf đều tạo điều kiện cho nhân viên tập luyện golf miễn phí, Caddie giỏi bao giờ cũng là những tay golf thiện nghệ. Các tuyển thủ đội tuyển golf quốc gia Việt Nam, ngoại trừ Trần Lê Duy Nhất (thành viên trẻ nhất, tham gia đội tuyển khi 16 tuổi) thuộc thành phần “quí tộc”, được tiếp xúc với golf từ nhỏ (bố Nhất là ông Trẩn Đình Luật, giám đốc điều hành dự án công ty Him Lam, là công ty đang quản lý sân tập golf Him Lam, TP. Hồ Chí Minh), còn lại đều xuất thân từ Caddie. Nghề này cũng đã đưa Nguyễn Văn Thông tới vị trí vô địch quốc gia, thành viên đội tuyển, đồng thời cũng lên chức Phó giám đốc điều hành của sân golf Thủ Đức.
Thu nhập ngoài lương cơ bản thì Caddie còn có cả tiền “tip” của khách. Các khoản “tiền tip” sẽ không cố định ở mức độ nào mà phụ thuộc vào khả năng và thái độ phục vụ của caddie. Ví dụ: Bạn làm tốt thì sẽ được khách tip cao hơn bình thường (giá trung bình bây giờ là dao động từ 100.000 đến 300.000 đồng/ngày) nhưng bạn cũng có thể nhận tip lên đến 500.000 đồng, thậm chí đến 1.000.000 đồng/ ngày nếu hôm nào gặp những vị khách hào phóng vào những phút hào hứng. Đây là một mức thù lao không hề nhỏ với các bạn lao động phổ thông đặc biệt là ở những vùng quê nghè, xa hôi, hẻo lánh.
Những caddie phụ vụ tốt sẽ có lượng khách hàng ổn định, được khách thường xuyên “book – đặt trước” nên thu nhập từ đó sẽ đều và ổn định. Có những caddie được yêu mến và nổi tiếng đến nỗi nhiều khách muốn tận mắt được caddie này hướng dẫn. Họ hợp lại thành nhóm 3 đến 5 người thuê riêng caddie này gọi là phờ-lai (fly). Họ thuê riêng caddie này, ra sân đánh vài hố kiểm nghiệm danh tiếng của caddie này xem có giống “giang hồ đồn” không. Mỗi lẩn như thế, caddie “kẹp” này thường được 3 gấp 4 lẩn liền tip.
Caddie giỏi còn được xem là “cố vấn”, là “bạn” của người chơi trên đường golf, có khả năng đọc được khoảng cách từng vị trí banh trên đường golf, tư vấn cho golfer về cách chọn gậy, phán đoán tốt về độ nghiêng của mặt green, nắm rõ nhất các chướng ngại vật trên sân như hố cát, bụi cây, hồ nước… giúp các golfer đưa ra quyết định chuẩn xác để đưa banh vào lỗ golf nhanh nhất. Với những caddie này, tiền thưởng trung bình từ 5 đến 10% giải thưởng của các golfer chuyên nghiệp (đây là khoản đãi ngộ không hề nhỏ). Ví dụ: Caddie của Tiger Woods, tay golf lừng danh thế giới và xuất sắc của mọi thời đại là Steve Williams, người có hơn 13 năm gắn bó với tay golf huyền thoại này được hưởng tới 10% giá trị giải thưởng trong trường hợp Tiger Woods vô địch. Chẳng hạn như giải US Open (Mỹ mở rộng), nếu Tiger Woods giành hơn 1 triệu USD cho ngôi vô địch thì Steve Williams kiếm cũng không ít tiền!
Trong gần 13 năm làm việc với Tiger Woods, Steve Williams đã góp công rất lớn giúp huyền thoại người Mỹ thi đấu thăng hoa và giành 13 trên tổng số 14 danh hiệu Major (giải lớn) trong sự nghiệp. Tiger Woods và Steve Wiliams không chỉ có sự ăn ý tuyệt vời trên sân mà còn trở thành đôi bạn thân thiết. Steve cũng chính là chỗ dựa tin cậy, niềm an ủi, người hỗ trợ đắc lực cho Tiger vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đời tư cũng như trong thời gian Tiger phải căng sức chống chọi với chấn thương. Chính vì thế mà việc ông chủ nói lời chia tay sau hơn 1 thập kỷ gắn bó, hợp tác hết sức thành công, đã gây cho Steve Williams cú sốc cực nặng.
Theo Forbes.com, ở châu Âu và Mỹ, một caddie đi cho các tay golf chuyên nghiệp có thể kiếm được khoảng 1.000 đến 1.500 USD/tuần. Thu nhập của caddie đi cho những golfer hàng đầu PGA Tour có thể lên tới 250.000 USD/năm. Thông thường, caddie được hưởng 3 đến 10% số tiền thưởng mà các tay golf kiếm được. Steve Williams – caddie số 1 thế giới là người New Zealand, người có hơn chục năm phục vụ huyền thoại Tiger Woods kể trên, đã kiếm được hơn 3 triệu bảng.
Ở Việt Nam, thu nhập trung bình của caddie hiện nay dao động từ 8.000.000 đến 20.000.000 tùy từng năng lực, thâm niên, kinh nghiệm và độ chuyên nghiệp của caddie, một mức thu nhập khá hấp dẫn với lao động trẻ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn xa xôi.
Lộ trình thăng tiến của nghề từ caddie, sút – tơ (shooter), người điều hành công việc của caddie và hoạt động trên sân, tới huấn luyện viên và quản lý điều hành sân golf. Nếu bạn nào yêu golf thì hoàn toàn có khả năng trở thành golfer chuyên nghiệp và thi đấu quốc tế như đã kể trên.
Xu hướng và nhu cầu nhân lực tương lai của nghề Caddie – Lời khuyên dành cho bạn trẻ quan tâm đến nghề Caddie
Với nhu cầu tăng cao của người chơi golf, mỗi golfer ra sân cần một caddie hỗ trợ và số lượng sân ngày càng tăng, nhu cầu caddie sẽ ngày một lớn. Đa số các sân golf tự tuyển và đào tạo caddie cho mình.
Nghề nào cũng vậy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chỉ khi bạn thực sự nghiêm túc và làm việc chăm chỉ, hết mình thì nghề nghiệp sẽ mang đến vinh quang cho bạn không chỉ là tiền bạc mà còn là niềm vui và hạnh phúc.
– Trích từ cuốn sách “Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại” của tác giả Yến Đỗ.