Với đà phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều người chơi tìm đến golf trong nhà. Đặc biệt, đây là môn thể thao có thể thi đấu một mình, thích hợp với việc phòng dịch Covid-19 ở nhiều nước…
Thời dịch bệnh hoành hành, golf được gọi là môn thể thao “giãn cách” bởi khoảng cách giữa người chơi là tương đối lớn. Tuy vậy, môn thể thao này vẫn chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm thể thao ngoài trời tại nhiều quốc gia, do đó người chơi tìm đến golf 3D ngày càng nhiều. Khi chơi golf trong nhà, người ta lại phát hiện ra nhiều tiện ích mà theo dự đoán, ngay cả khi dịch bệnh được đẩy lui, golf 3D có thể vẫn là xu hướng được yêu thích.
MÔN THỂ THAO “KHÔNG TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI”
Khi nhiều bang ở Mỹ bắt đầu mở cửa lại, những sân golf mênh mông là một trong những không gian an toàn đầu tiên có thể quay trở lại hoạt động. Môn thể thao này lập tức thu hút người chơi vốn quá mệt mỏi sau những ngày dài thu mình trong nhà. Vào tháng 5, con số các vòng chơi golf tại Mỹ đã bật tăng, từ mức giảm 42,2% trong thời kỳ phong tỏa, tăng lên 6,2% so với năm trước. Sau đó, con số này tiếp tục tăng mạnh hơn.
Song, số vòng golf không phải là chỉ số duy nhất cho thấy sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp giải trí này. Doanh số bán thiết bị cũng tăng đột biến. Theo Golf Datatech, ngành công nghiệp này đã đạt mức doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Mỹ là 388,6 triệu USD vào tháng 7.
“Thật đáng kinh ngạc khi thấy sự tăng trưởng của golf ngay cả khi đối mặt với đại dịch toàn cầu. Môn thể thao này giúp mọi người có thể chơi một cách an toàn, phù hợp với giãn cách xã hội…. đó chắc chắn là những yếu tố tích cực”, Chủ tịch Jeff Lienhart của Adidas Golf phát biểu với Quỹ Golf quốc gia.
Trong khi đó, với các nước châu Á nơi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, người ta cũng lựa chọn golf, nhưng là chơi golf trong nhà. Ông Choi Chang Young, Phó Chủ tịch Hiệp hội Olympic Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Các môn như bóng đá, bóng chày,… tập hợp đông đảo công chúng sẽ gặp nhiều hạn chế trong tương lai. Ngược lại, những môn cá nhân hoặc ít người tham gia như golf sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn”.
Số liệu từ Viện Công nghiệp giải trí Hàn Quốc cho thấy, số lượng người chơi golf trong nhà chiếm đến hơn 60% so với số lượng người chơi ở ngoài trời. Đặc biệt, thị trường các thiết bị chơi golf tại gia đã tăng 11% so với năm trước và đạt 5,13 nghìn tỷ Won. Năm tới, dự kiến sẽ tăng hơn 6 nghìn tỷ Won. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, giới nhà giàu có xu hướng trang bị thiết bị chơi golf trong nhà, vừa đáp ứng yêu cầu giữ sức khỏe, vừa để thư giãn.
Golf trong nhà (Indoor golf, golf 3D, golf giả lập, hay golf qua màn hình…) là loại hình thể thao áp dụng kỹ thuật số, công nghệ 3D, cùng các thiết bị mô phỏng tái hiện sân cỏ thực trong môn golf, đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong mô hình này, các golfer có thể lựa chọn thử sức ở những sân golf hàng đầu thế giới, được lập trình mô phỏng trong hệ thống.
Tạp chí Most Valuable Network phân tích: “Trong trường hợp muốn tránh tiếp xúc với người khác, cũng như tránh điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong từng thời điểm, bạn có thể dễ dàng hưởng lợi từ môn golf trong nhà”.
SÔI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG THIẾT BỊ CHƠI GOLF TẠI GIA
Chơi golf trong nhà mang lại những lợi ích tương tự như chơi golf thông thường. Nó rèn luyện các nhóm cơ và đòi hỏi sự tập trung như chơi golf ngoài trời, từ đó cũng mang đến sự thư giãn nhất định.
Từ góc độ tập luyện, chơi golf trong nhà đơn giản và hiệu quả hơn nhờ các thiết bị ghi lại động tác swing, thông số kỹ thuật của người chơi như tốc độ đầu gậy, góc bóng, quãng đường bay, khoảng cách cú đánh… đồng thời tự động tính điểm. Nhờ vậy, golfer có thể chú tâm tập luyện cho cú đánh và kỹ thuật cá nhân.
Có thể nói, đây cũng là giải pháp hoàn toàn mới cho các golfer trong nước trong thời điểm cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 như hiện tại. Anh Tuấn Anh, đại diện một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lắp đặt phòng golf 3D tại An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) phân tích: “Với hình thức chơi golf trong nhà, bạn có thể chủ động hơn về mặt thời gian do không phải di chuyển. Đồng thời, bạn có thể trải nghiệm hình thức du lịch trực tuyến, nhờ có thể lựa chọn các điểm đến hoặc các sân golf khác nhau, kể cả các sân golf nổi tiếng trên thế giới”.
“Do đó, nếu nhà của bạn có đủ không gian, bạn hoàn toàn có thể mua một thiết bị mô phỏng rồi lắp đặt ngay tại nhà của mình, sau đó có thể trực tiếp luyện tập môn thể thao này,” anh Tuấn Anh nói thêm.
Dạo qua một vòng các hội dành cho dân chơi golf trên Facebook có thể thấy, thị trường đồ dùng cho người có nhu cầu chơi tại gia rất sôi động. Những sản phẩm được rao bán bao gồm bóng, gậy, thảm cỏ, lưới… rất đa dạng về mẫu mã và màu sắc.
Trong đó, những chiếc khung lưới golf chữ Z bán chạy nhất. Sản phẩm bao gồm lưới, khay để bóng, thảm giúp mọi người thoải mái chơi golf mà không lo bóng bay vào thiết bị trong nhà cũng như thất lạc trong khe, góc. Hiện tại, giá bán cho một combo như thế này vào khoảng 6 triệu đồng.
Theo người bán, dụng cụ hỗ trợ chơi golf này khá cồng kềnh, kích thước 2,5m x2,5m nên đặc biệt phù hợp với gia đình nào có diện tích rộng, không gian thoải mái một chút. Khi không chơi nữa, có thể gấp gọn lại và để một góc nhường diện tích cho các sinh hoạt khác.
Ngoài ra, hội những người chơi golf còn tạo ra trào lưu khoe không gian tập golf tại gia của mình. Có người rất đơn giản, chỉ một chiếc thảm tập và trái bóng. Nhưng cũng có người khá cầu kỳ, trước khi dịch bệnh bùng phát đã kịp trang bị hẳn một phòng tập golf 3D để tận hưởng trong những ngày ở nhà.
Chi phí lắp đặt phòng Golf 3D khá đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm diện tích phòng, phần mềm golf 3D tích hợp nhiều sân hay ít sân, nội thất cơ bản hay cao cấp… Nhiều golfer tiết lộ, với khoản tài chính khoảng 400 triệu, người chơi có thể thi công lắp đặt 1 phòng golf 3D cơ bản để luyện tập tại nhà với đầy đủ tiện nghi.
Tất nhiên, phòng tập golf 3D có chi phí đắt đỏ chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng có điều kiện. Còn lại, theo lời khuyên của các golf thủ, bạn chỉ cần một số dụng cụ cơ bản bao gồm gậy, bóng, thảm tập hoặc chipping net với những người đã thành thạo.