Ở mọi giải đấu golf, giải thưởng “hole in one” (dành cho cú đánh một gậy vào lỗ) luôn thu hút sự chú ý.
Ở Golf Tournament for Start-up, giải đấu golf mang tính hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 25-3 tới, sẽ có đến hai giải thưởng dành cho cú hole in one do Volvo Car Việt Nam trao tặng (XC90 – giá từ 4 tỉ đến 4,5 tỉ và V60CC – hơn 2,5 tỉ tại lỗ số 8 và 16).
Với nhiều người, giải thưởng này gần như mang tính bất khả thi.
Khó đến mức nào?
Knock-out đối phương trong cú ra đòn đầu tiên ở boxing, tự mình ghi trên 70 điểm trong một trận bóng rổ NBA (cá nhân), hay thủ môn phát bóng thẳng vào lưới đối phương từ vòng cấm địa sân nhà trong môn bóng đá được xem là những nhiệm vụ khó khăn nhất và gần như không có khả năng xuất hiện trong làng thể thao chuyên nghiệp.
Còn với golf, người ta xếp hạng một nhiệm vụ khó tương đương những điều kể trên, đó là khả năng đánh quả bóng trúng… một chú chim hải âu. Thống kê cho biết khả năng để điều này xảy ra là 1/6 triệu. Trong lịch sử kéo dài hơn 150 năm của golf, đã có 18 chú chim hải âu xấu số bị đánh bóng trúng. Nếu một chuyện phi lý như đánh bóng trúng chim hải âu còn có thể xảy ra, các golfer không có gì phải ngại ngùng khi mơ mộng về “hole in one”.
Thống kê của Hiệp hội Golf Mỹ cho thấy có gần 500 triệu lượt đánh golf ở Mỹ mỗi năm, trong khi tổng số cú hole in one tương ứng cũng vào khoảng 200.000. Như vậy, cứ khoảng 2.500 lượt đánh sẽ có một cú hole in one. Cơ hội thực hiện thành công một cú hole in one với các golfer chuyên nghiệp như vậy là 0,04%.
Các thống kê của những tổ chức bảo hiểm cũng cho ra kết quả khoảng 3.000 lượt đánh sẽ có một cú hole in one. Nếu thống kê dựa trên số người thi đấu thì khoảng 12.000 golfer sẽ có một người thực hiện được hole in one.
1 ăn 1 triệu
Có hàng loạt những câu chuyện thú vị xoay quanh cú hole in one, với những con số có thể khiến mọi người ngỡ ngàng.
Chẳng hạn như kỷ lục người cao tuổi thực hiện cú hole in one thuộc về cụ ông Gus Andreone (người Mỹ) với cú đánh để đời năm ông… 103 tuổi (năm 2014). Và trong danh sách các kỷ lục gia cao tuổi trước đó cũng có một loạt những người trên 90 tuổi.
Cú hole in one tuy khó đến mức cả Tiger Woods chỉ thực hiện được 3 lần ở các giải đấu của PGA nhưng lại có những tay nghiệp dư chuyên săn hole in one. Kỷ lục sở hữu nhiều hole in one nhất thuộc về golfer nghiệp dư Norman Manley, khi ông từng 59 lần thực hiện cú ăn điểm khó tin này.
Bob Taylor, một golfer vô danh người Anh, lại viết nên một câu chuyện khó tin khác vào năm 1974 khi thực hiện thành công hole in one trong 3 ngày liên tiếp ở một giải đấu diễn ra nhiều vòng khác nhau tại Leicester.
Chiều ngày thi đấu đầu tiên, Taylor thực hiện thành công cú hole in one. Ngày thi đấu hôm sau, nhiều golfer khác tụ tập để hỏi Taylor đã thực hiện cú đánh để đời đó như thế nào. Anh đùa rằng mình đã được gió giúp sức khá nhiều. Và trong lúc xoay người làm mẫu, Taylor lại… vô tình thực hiện một cú hole in one khác. Cả hai cú đều ở cự ly khoảng 172m.
Đêm hôm đó, một golfer khác đánh cược với Taylor rằng ông không thể thực hiện cú hole in one thêm một lần nữa ở ngày thi đấu cuối cùng. Tỉ lệ cược là 1 ăn 1 triệu, và Taylor sẽ bỏ ra 25 xu. Nếu thắng, ông sẽ nhận được 250.000 bảng Anh. Theo thời giá, khoản tiền này khi đó tương đương với 2,5 triệu bảng Anh ngày nay.
Dưới sự chứng kiến của cả giải đấu, Taylor lại đứng ở lỗ 16 và khiến sân golf như vỡ tung khi một lần nữa tái hiện kỳ tích. Vì chỉ là giải đấu nghiệp dư và không có nhà tài trợ lớn, phần thưởng dành cho ông Taylor chỉ là một thùng bóng golf. Và người đã đánh cược với ông cũng… quỵt tiền.
Dù vậy, câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi trong giới chơi golf. Thậm chí, người dân thành phố Leicester còn nói rằng cú hole in one ba lần liên tiếp của ông Taylor còn vĩ đại hơn cả việc CLB Leicester City vô địch Premier League vào năm 2015 (nhà cái ra tỉ lệ cược 1 ăn 5.000 cho sự kiện này).
Bảo hiểm cho việc… ăn mừng
Ở Nhật Bản, các golfer cũng phải mua bảo hiểm cho việc thực hiện thành công cú đánh để đời này.
Vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Vì ở Nhật, thực hiện được cú đánh hole in one được xem là điềm cực kỳ may mắn và golfer đó phải chi ra không ít tiền để mời bạn bè ăn mừng. Thậm chí chi phí cho việc ăn mừng này trung bình khoảng 10.000 USD/lần. Và đó là mức tốn kém mà nhiều golfer cho rằng xứng đáng phải mua bảo hiểm, bởi thông thường giải thưởng dành cho họ tuy lớn nhưng lại là hiện vật.
Có khoảng 30 công ty bảo hiểm ở Nhật chuyên cung cấp gói bảo hiểm này, với mức giá khoảng 65 USD/năm. Các golfer vì thế cứ việc thoải mái mơ mộng về những cú hole in one, không cần phải chùn tay vì… sợ tốn kém.