Theo các chuyên gia, để xây dựng một sân golf, số tiền đầu tư có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng dòng tiền thu được từ kinh doanh sân golf lại không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ.
Đầu tư sân golf: Bỏ vàng thỏi, thu bạc cắc
Khó như làm sân golf
Tại Việt Nam, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, hàng chục sân golf được xây dựng, số lượng người chơi tăng lên hàng chục vạn, du lịch golf được thúc đẩy, các hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm golf ra đời.
Theo số liệu của Hiệp hội Golf Việt Nam, hiện cả nước có gần 80 sân golf đang hoạt động. Con số này đang tiến tới mốc 200 vào năm 2025. Các địa phương phát triển golf mạnh nhất là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Tham gia cuộc chơi này là các tên tuổi lớn như Geleximco, Vingroup, BRG, FLC, Sungroup, Sovico Holdings, Him Lam, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD)… hay các nhà đầu tư nổi tiếng nước ngoài như Asian Coast Development, Tanzanite International…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn phát triển golf, dù đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng dòng tiền thu được từ kinh doanh sân golf không dễ dàng như nhiều người tưởng.
Dù chưa có thống kê cụ thể cho con số lỗ – lãi của các sân golf hiện nay nhưng việc các sân golf bỏ không, vắng khách hoặc kinh doanh thua lỗ thì đã ghi nhận rất nhiều.
Trong 2 năm Covid-19, với các đợt giãn cách và hạn chế du lịch thì phần lớn các sân golf càng khó có được kết quả tài chính khả quan.
Gần đây nhất, một ngân hàng đã phát đi thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của một đơn vị phát triển sân golf. Việc đấu giá bất thành qua một số lần tổ chức, càng chứng tỏ việc kinh doanh lĩnh vực này không hề “mầu hồng” đầy hấp dẫn.
Bỏ vàng thỏi, thu bạc cắc
Nhìn một cách tổng quan, mô hình kinh doanh golf ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn dù tiềm năng được đánh giá khá cao. Theo các chuyên gia, khả năng hoàn vốn tương đối khó đã khiến không ít nhà đầu tư vào sân golf vướng phải thua lỗ.
Nguồn thu cho các sân golf đến từ nhiều mảng, gồm phí hội viên, phí chơi một vòng golf, doanh thu từ bán dụng cụ, trang phục chơi golf, phí caddie, cũng như doanh thu từ mảng lưu trú, ăn uống phục vụ cho khách chơi… Trong số đó, phí hội viên chính là nguồn thu quan trọng nhất cho các chủ đầu tư golf.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh sân golf thuần túy (phí chơi và phí dịch vụ) không hề đơn giản. Theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), một sân golf 18 lỗ, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm.
Trong khi đó, số lượng hội viên trung bình tại các sân golf Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 500 người. Rõ ràng, áp lực duy trì lợi nhuận cho các sân golf rất lớn do doanh thu hằng năm không đủ bù đắp nổi chi phí duy trì sân và đội ngũ nhân viên túc trực rất tốn kém.
Dù vậy trên thực tế, tuy doanh thu không cao nhưng hiệu quả chủ yếu mà các chủ đầu tư sân golf mong đợi lại chính là từ các mục tiêu bất động sản đi kèm. Mỗi một sân golf ra đời sẽ kéo theo sự phát triển của tổ hợp bất động sản với các sản phẩm như biệt thự, shophouse, condotel. Những dự án lân cận cũng “ăn theo” sự phát triển này. Đó là còn chưa kể đến lợi ích với môi trường, khi mà sân golf tạo ra những khoảng không gian xanh rất có lợi cho hệ sinh thái xung quanh.
Ngoài ra trong tương lai không xa, khi điều kiện sống ngày một nâng cao, thị trường sân golf sẽ càng phát triển tương ứng với mức thu nhập của người dân. Và như vậy, sự xuất hiện của các sân golf sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
Nhưng theo các chuyên gia, cho đến lúc ấy, việc làm sân golf vốn được nhiều người ví von là bỏ ra cả cục vàng lớn để rồi thu lại từng bạc cắc vẫn sẽ là bài toán thách thức các nhà đầu tư.