Gần 20 năm về trước, golf mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người. Thái Dương lúc bấy giờ chỉ là cậu học trò cấp 3 theo chân cha đi đánh golf. Suy nghĩ khác biệt và tầm nhìn xa của cha – ông Nguyễn Ngọc Chu – đã định hướng anh theo con đường chuyên nghiệp, dù bản thân còn nhiều mung lung.
Gặt hái được thành công mà rất ít golfer Việt làm được, Thái Dương bất ngờ chuyển hướng với lời giải thích: “Mình chậm thì golf chậm lại mấy bước”.
Tới tận bây giờ, golf chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn mới và nhiều gian truân. Ở thời điểm cách đây hơn chục năm, anh trăn trở, suy nghĩ thế nào khi quyết định trở thành golf thủ chuyên nghiệp?
– Chục năm là tính từ lúc tôi bắt đầu chuyển sang chơi chuyên nghiệp. Còn quyết định theo đuổi phải từ 17 năm trước, khi tôi còn là học sinh cấp 3.
Thời điểm bắt đầu chọn golf thật ra không khó nhưng mông lung vì gần như chưa ai làm. Năm 2000 mà tôi mới bắt đầu, số lượng người chơi môn thể thao này cực ít. Cả Hà Nội chỉ có 50-100 người Việt, còn chủ yếu là các golf thủ tới từ Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác. Tới năm 2005, số lượng bắt đầu tăng nhẹ. Từ giai đoạn 2010-2012 đến nay, golf tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh nhưng chủ yếu là nghiệp dư.
Điều thú vị gì ở môn thể thao này khiến anh đam mê và chọn con đường mà rất ít người đi chỉ sau vài năm tập luyện?
– Tôi thích chơi thể thao từ bé, bóng rổ, bóng đá tới thi đấu karatedo. Thời mới biết tới golf, tôi thấy nó quá chậm. Tôi đang chạy nhảy, vận động nhanh, giờ lại đi đánh golf với mấy ông già, thuộc thế hệ của bố nên thấy rất nhàm chán.
Bước ngoặt tới vào năm 2002, khi tôi đánh giải trẻ trong khu vực. Lần đầu tiếp xúc với thế hệ bạn bè cùng lứa ở các nước, họ quá xuất sắc, điều này làm tính cạnh tranh của người chơi thể thao trong tôi trỗi dậy. Lần đầu tôi cảm nhận golf là môn thể thao khá hay. Sau đó tập rồi say, càng tập càng mê. Sau này khi chọn đất nước đi du học, tôi cũng cân nhắc. Nếu không vì golf tôi đã đi Đức, đất nước tôi yêu thích từ bé thay vì đi Mỹ.
Cha anh – ông Nguyễn Ngọc Chu – thuộc thế hệ những người chơi golf sớm nhất ở Hà Nội và cũng là người cho anh cơ hội biết tới golf. Khi anh quyết định theo con đường chuyện nghiệp, ông phản ứng thế nào?
– Nếu không có sự định hướng của cha chắc chẳng bao giờ tôi nghĩ mình theo golf chuyên nghiệp, đặc biệt là thời điểm đó.
Bây giờ có thể khác, khi điều kiện kinh tế gia đình tốt, người trẻ đam mê sẽ thúc đẩy bố mẹ để theo đuổi. Còn thời điểm của tôi thì không thể mê được. Không đủ điều kiện để chơi, quá đắt đỏ so với thu nhập của người đi làm, lại không có bạn bè chơi cùng. Vậy nhưng bố không cho tôi đi chơi golf chỉ để giới thiệu một môn thể thao mới. Ngay từ lúc bắt đầu, ông đã hướng tôi đi theo con đường chuyên nghiệp.
Ngay cả ở hiện tại cũng không phải ai cũng nghĩ và làm được điều đó. Nhưng khi đó, bố tôi đã suy nghĩ rất tân tiến. Ông luôn bảo tôi rằng “Phải làm cái gì khác biệt, đi con đường khác đi. Đừng đi vào lối mòn”.
Khó khăn lớn nhất mà anh phải vượt qua để có thể chơi golf chuyên nghiệp ở thời điểm đó là gì?
– Thời của tôi, vấn đề tài chính để theo đuổi môn thể thao này khá khó khăn. Giá chơi golf của Việt Nam rất đắt và không có lựa chọn bình dân như các nước phát triển. Xác định chơi chuyên nghiệp thì ngày nào cũng phải đánh và kiên trì học hỏi, rèn luyện ít là 10 năm.
Ví dụ, 1 năm cần đánh 200 trận, 10 năm là 2.000 trận. Mỗi trận chi phí tối thiểu khoảng 2 triệu đồng, số tiền bỏ ra là gần 4 tỷ đồng rồi. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, tài chính vẫn là yếu tố cần và khiến nhiều người phải cân nhắc.
Tài chính là vấn đề đối với cả golf thủ chuyên nghiệp. Trước đây, tôi đi thi đấu, mỗi chuyến phải tập luyện trước đó 1 tuần, mất tầm 2.000 USD.Liên tục 30 giải là mất khoảng 60.000 USD cho một năm đi đánh giải chuyên nghiệp. Dạy chuyên nghiệp thì khá ổn định về thu nhập. Còn thi đấu thì phù thuộc rất lớn vào phong độ. Tốt thì có tiền, không tốt thì không có, nên áp lực cũng rất lớn.
Nhiều người thấy golf khá “nhàn nhã”, đó có phải là môn đòi hỏi thế lực không anh?
– Tốc độ của golf chậm nhưng không thể thiếu thể lực. Khi còn chơi chuyên nghiệp, một ngày tôi dành khoảng 8 tiếng để tập luyện, trong đó có rất nhiều bài tập về thể lực.
Như với bóng đá, cầu thủ chơi với thể lực, tốc độ ở cường độ cao trong 90 phút. Golf thì 5h, cường độ thấp nhưng cần sức bền. Sau đấy trong 1 giây tốc độ phải cực kỳ nhanh, 1 cú đánh 1 giây, còn 1 pha bóng đá thì tầm 10s.
Nhịp độ từng môn khác nhau, bóng đá thì liên tục, còn golf thì không nhưng tính đối kháng thì môn nào cũng có. Người đá bóng chuyên nghiệp đi đánh golf chuyên nghiệp cũng rất mệt, rã rời.
Khi thi đấu chuyên nghiệp, yếu tố nào làm nên một ngày chơi golf tốt?
– Thể thao đỉnh cao thì 50% là tâm lý, rồi đến kỹ thuật, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tổng hợp chung của nhiều yếu tố. Môn thể thao càng yêu cầu độ chính xác thì tâm lý thi đấu càng ảnh hưởng. Golf là một trong số đó.
Như bóng đá đòi hỏi về sức mạnh thể chất nhiều hơn. Còn golf thì tâm lý ảnh hưởng rất nhiều, cũng giống như bắn súng, run một cái là toi. Ngoài ra, môn thể thao này còn đòi hỏi golf thủ cần đến tính toán, dùng trí óc rất nhiều.
Chưa kể, thể thao chuyên nghiệp khác với nghiệp dư chơi. Lúc nào cũng phải giữ năng lượng ở mức cao nhất, để độ tập trung không giảm. 18 hố trung bình 14 km trong 4-5h, vừa đi vừa đánh, giữa mùa hè.
Vậy yếu tố kỹ thuật hay bản năng sẽ làm nên một cú swing đẹp mắt?
– Môn thể thao nào cũng có nhiều trường phái. 10 cầu thủ có 10 lối đá bóng khác nhau. Golf cũng thế, 10 golf thủ chuyên nghiệp có 10 cú swing khác nhau. 10 thầy có 10 phương pháp đào tạo khác nhau. Không thể nói ai đúng nhất, hay yếu tố kỹ thuật hoặc bản năng, chỉ là hiệu quả nhất thôi.
Theo kinh nghiệm và các kiến thức tôi học được thì dù là phương pháp nào cũng nên dựa trên nền tảng khoa học. Khoa học nghiên cứu thể thao tiến bộ nhiều nên không có gì tuyệt đối, phải liên tục cập nhật về khoa học kỹ thuật.
Năm 2011, báo chí đưa tin, Việt Nam có 2 golf thủ theo đuổi golf chuyên nghiệp. Trong Nam có Trần Lê Duy Nhất, ngoài Bắc có Nguyễn Thái Dương. Tới nay, số lượng golf thủ chuyên nghiệp dường như không đổi. Vì lý do gì mà lại hạn chế đến vậy?
– Nhiều người vẫn không phân biệt được định nghĩa chuyên nghiệp và nghiệp dư trong golf. Ngay cả những người chơi môn thể thao này cũng vậy. Chuyên nghiệp là phải coi golf là nghề nghiệp. Thi đấu giải vì tiền, dậy golf vì tiền, khi đó gọi là chuyên nghiệp. Từ đó, chia ra 2 loại chuyện nghiệp là thi đấu và đào tạo. Thi đấu thì rất hiếm. Trước nay có tôi và Nhất từng đánh giải châu Á. Bây giờ ở Việt Nam, ngoài Duy Nhất vẫn chưa có ai thi đấu chuyên nghiệp nước ngoài cả.
10 năm trở lại đây, golf phát triển rất nóng nhưng chưa đồng đều. Số lượng người chơi, sân golf tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo chưa cao. Hệ thống đào tạo trẻ chưa nhất quán, chưa có chiến lược. Các sân golf cũng chưa có quản lý vĩ mô kết hợp. Chưa kể, golf chuyên nghiệp phát triển chậm và hơi lệch so với nghiệp dư.
Vì thế, năm 2017, chúng tôi mới mở ra các giải thi đấu chuyên nghiệp trong nước để phát triển phong trào golf chuyên nghiệp Việt Nam và làm bàn đạp cho các vận động viên Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.
Để đi từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thì người chơi cần những yếu tố gì?
– Đó là chuyện không hề dễ dàng bởi chuyên nghiệp là một đẳng cấp khác. Nghiệp dư bạn có thể chơi rất hay nhưng tới chuyên nghiệp thì đó là một phạm trù hoàn toàn khác. Golf chuyên nghiệp cũng cần đào tạo rất lâu so với những môn thể thao khác, ít nhất là 10 năm, tuỳ thuộc vào độ tuổi bắt đầu.
Ở nước ngoài, sân golf tạo điều kiện cho người trẻ rất nhiều. Ví dụ ở Úc, một năm đóng phí 150USD là người già, trẻ nhỏ có thể chơi golf thoải mái. Tính cộng đồng và phát triển tầm nhìn xa của họ rất cao. Họ thu tiền người cần thu và phát triển người cần phát triển. Điều này thì mình chưa có.
Hay như ở Mỹ, golf phát triển từ rất lâu rồi. Golf không phải là trào lưu, mà trở thành môn thể thao mà tầng lớp nào cũng có thể chơi được. Họ có sân công cộng, sân tư nhân với những mức giá khác nhau. Đó là điều mà chúng ta còn thiếu và cần phát triển trong tương lai.
Có phải vì những bất cập đó mà anh quyết định giải nghệ ở thời điểm vàng của một golf thủ để trở thành một công chức nhà nước không?
– Quyết định đó chỉ đơn giản là tới thời điểm tôi thấy hài hoà về nhiều mặt, từ cơ hội về nhà tài trợ, thời điểm phát triển. Khi ấy golf bùng nổ, mình mà chậm thì golf lại chậm mấy bước. Muốn phát triển golf diện rộng thì phải nhờ quản lý của nhà nước. Muốn đóng góp vào quá trình ấy thì chọn làm công chức nhà nước.
Cũng nhiều người, trong đó có cả anh em thân thiết hỏi tôi, khi dừng lại có nuối tiếc không. Tôi thì không tiếc. Bởi bản thân sinh ra trong một gia đình yêu nước, mình làm như vậy là đóng góp cho đất nước. Điều tôi đang đóng góp ý nghĩa gấp 1.000 lần việc thi đấu cho riêng mình và thôi thúc tôi lựa chọn con đường mới thay vì tập trung đấu giải.
Vậy còn việc thành lập học viên golf Hà Nội được anh thai nghén từ khi nào?
– Cuối năm 2013, tôi sáng lập học viện Golf Hà Nội. Khi đó, vừa thi đấu vừa dạy vì tài chính bất ổn. Tôi cần tìm thêm nguồn thu ổn định để cung cấp cho việc thi đấu. Phải tới năm 2017, hệ thống này mới đi vào chuyên nghiệp dù thai nghén lâu rồi.
Từ năm 2018, việc quản lý học viện do người khác đảm nhận do tôi làm công chức nhà nước nên chỉ đi dạy các bạn trẻ có đam mê, muốn theo đuổi golf chuyên nghiệp. Có những gương mặt sáng mà tôi tin, chỉ trong vòng 5 năm tới, có thể nổi ở nước ngoài, ít nhất là khu vực Đông Nam Á.
Theo kinh nghiệm của anh, đâu là thời điểm vàng để các golf thủ trẻ bắt đầu với con đường chuyên nghiệp?
– Càng sớm càng tốt. Tôi thấy trước 10 tuổi thì thời điểm không quan trọng, lúc nào cũng được. Quan trọng nhất vẫn là ở đam mê của người tập, người chơi.
Những yếu tố nào sẽ là lợi thế để trở thành một người chơi golf hay?
– Nhiều thứ lắm nhưng lớn nhất là bản thân người chơi có đam mê không. Đây là điểm chung cho tất cả các môn thể thao. Nếu không đam mê, bạn khó có thể rèn luyện kiên trì được, không thể tập 8 tiếng mỗi ngày được. Đã không mê thì không nên ép, vì không để đạt tới khả năng tối đa của người ấy.
Sau khi đam mê thì phải xem bạn muốn đạt đến trình độ nào, rồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoàn cảnh khác, từ cơ hội, nền golf, điều kiện đào tạo, thi đấu, tài chính…
Từ golf thủ thi đấu chuyên nghiệp chuyển sang dạy chuyên nghiệp thì sẽ gặp những khó khăn gì?
– Dạy chuyên nghiệp đòi hỏi yếu tố sư phạm, trình độ đào tạo và phải không ngừng nghiên cứu. Không có phương pháp nào đúng 100% như toán học mà thay đổi liên tục. Ví dụ như cú swing 50 năm trước và bây giờ khác nhau tương đối lớn.
Ngoài ra, người dạy cần kinh nghiệm. Khi dạy thì mỗi học sinh có khả năng, nhận thức khác nhau. Không thể áp dụng một phương pháp chung cho 10 người. Phải có sự khác nhau, thay đổi dựa trên học trò. Thầy dạy giỏi là đưa được học trò phát huy hết khả năng của họ.
Còn khi chuyển sang tổ chức các giải, anh thấy đâu là vấn đề nan giải nhất?
– Vẫn là tài chính (cười). Không có tài chính thì chẳng làm được gì. Việc kêu gọi các nhà tài trợ cũng không đơn giản. Chúng tôi thường hướng tới những nhãn hàng phục vụ tầng lớp cao cấp. Họ định hướng thị trường mục tiêu là những người có thu nhập trung bình khá trở lên, sẽ thích môn golf hơn.
Sau đấy đến chuyên môn, nhà tổ chức, số lượng và chất lượng người tham dự. Ở các giải này, chúng tôi chỉ chọn người trẻ, xác định sẽ theo chuyên nghiệp. Những người chơi golf cho vui, dù đánh rất hay nhưng vẫn bị hạn chế. Suất đánh giới hạn để họ trải nghiệm thôi, bởi mục đích của giải là phát triển chuyên nghiệp.
Ngay cả yếu tố về trọng tài cũng được chú ý. Golf là môn thể thao mang tính tự giác cao. Kể cả không có trọng tài, cần đề cao tính tự giác. Nhưng có trọng tài chất lượng cao thì đẩy tính chuyên nghiệp và tốc độ xử lý tình huống lên vì không phải ai cũng nắm hết luật.
Tuy nhiều khó khăn nhưng việc đưa được các giải mang tầm quốc tế về Việt Nam sẽ giúp người hâm mộ được làm quen, nhận thức rõ hơn về golf chuyên nghiệp. Tiền thưởng giải chuyên nghiệp quốc tế cũng lớn hơn.
Với những nỗ lực kể trên, mong muốn và mục tiêu sắp tới trong công việc, nhất là phát triển golf chuyên nghiệp của anh là gì?
– Tôi muốn phát triển golf chuyên nghiệp diện rộng. Mong số lượng, chất lượng ngày càng tăng. Số người chơi nghiệp dư đã tăng tương đối tốt, giờ cần chú trọng đối tượng trẻ chuyên nghiệp hơn. Số lượng sân golf thì phát triển theo nhu cầu người chơi tự phát, sau thì sẽ có định hướng, phối hợp thực hiện tốt hơn.
Còn với các golf thủ trẻ, tôi mong họ hãy tận hưởng. Chơi vì đam mê. Đừng chơi vì bị ép. Không thích golf thì chuyển sang cái khác, chứ không có đam mê thì không đạt được đỉnh cao đâu.
Cảm ơn chia sẻ của anh.