Là golfer Ngiệp dư Việt Nam đầu tiên ra quân tại giải Chuyên nghiệp Quốc tế (HOTRAM OPEN 2015) sau vị trí thứ 4 tại Giải Vô địch Quốc gia, ít ai biết rằng anh từng chật vật vung tới 120 gậy để “đi hết” sân golf Tam Đảo, và được bạn bè “động viên” nên… tìm môn chơi khác phù hợp hơn. Cuộc trò chuyện với doanh nhân – Golfer Nguyễn Hồng Hải về bước đường trở thành một Golfer “Cá Sấu”, là những nỗ lực và sự quyết liệt mà bất cứ ai cũng cần có để dấn thân trong đam mê của mình.
GOLF TÔI LUYỆN BẢN THÂN
Anh từng vinh dự là golfer nghiệp dư Việt Nam đầu tiên ra quân tại giải chuyên nghiệp quốc tế (HoTram Open 2015) sau vị trí thứ 4 tại giải Vô địch quốc gia. Xin anh chia sẻ rõ hơn về thành tích ấn tượng này?
Đây là một niềm hạnh phúc, niềm vinh dự lớn trong cuộc đời chơi golf của tôi. Được tham gia vào giải chuyên nghiệp quốc tế là một phần thưởng cao quí trong cuộc đời của bất cứ golfer nghiệp dư nào. Tại đây bạn được chơi cùng với các tay golf chuyên nghiệp, những người mà bạn chỉ thường thấy trên truyền hình.
Sở dĩ tôi có được suất tham dự giải HoTram Open sau khi tôi đoạt vị trí thứ 4 tại giải Vô địch quốc gia 2015, giành quyền vào thẳng giải đấu này. Đây là một trong những thành tích mà tôi ấn tượng nhất, đáng tự hào nhất trong số các thành tích mà tôi đã đạt được trong “sự nghiệp” chơi golf của mình.
Tại giải VĐQG 2015, tôi chỉ đứng sau Trương Chí Quân (vô địch), Đỗ Lê Gia Đạt (á quân) những người đang trên con đường tiến tới chuyên nghiệp và Đỗ Gia Hiền, người từng dạy golf lâu năm.
Kể từ sau những giải đấu trên tôi luôn nỗ lực tập luyện để phấn đấu đạt mục tiêu nằm trong Top 5 tại giải vô địch nghiệp dư quốc gia hàng năm, mong muốn có thêm cơ hội học hỏi từ các golfer chuyên nghiệp trong thời gian tới.
Chơi golf với một doanh nhân không phải là việc chính, anh có được thành tích này hẳn là do năng khiếu ?
Cách nay 8 năm, trong lần ra sân đầu tiên (sân Tam Đảo) tôi đánh tới 120 gậy, trong đó có một tình huống bóng bay vào rừng, tôi loay hoay và mất tới 20 gậy mới kết thúc được hố này.
Tôi còn nhớ như in về thời điểm ban đầu đó, sau đó tôi còn chơi vài trận nhưng kết quả không cải thiện nhiều. Một số bạn chơi đã khuyên tôi, nên bỏ golf để tìm kiếm một môn thể thao thích hợp hơn. Lúc đó tôi có cảm giác khá thất vọng về bản thân mình và tạm dừng chơi golf 2 tháng.
Sau đó, tôi đã tìm ra nguyên nhân chính và khắc phục sở đoản của mình. Tôi đăng ký lớp học của hai thầy giáo tại sân Phương Đông, hàng ngày tôi quyết tâm luyện tập thật nghiêm túc và âm thầm ra sân mỗi khi thu xếp được thời gian. Lần thứ hai ra sân Tam Đảo, tôi đánh over 16 gậy.
Cứ như vậy, tôi kiên trì tập luyện hàng ngày, đúng 5 tháng sau ngày trở lại, handicap của tôi đã xuống 9, kết quả này khiến những bạn chơi của tôi không khỏi ngạc nhiên và bản thân tôi không bao giờ có thể ngờ được có ngày như vậy.
Golfer Nguyễn Hồng Hải (hàng đứng, phải) trong màu áo tuyển miền Bắc chiến thắng tại VGA Union Cup 2016
Ngoài sự nỗ lực của bản thân, điều quan trọng là phải có thày giáo tốt, có như vậy bạn mới có thể thành công được. Bạn biết đấy, golf là một môn thể thao đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật. Nếu như bạn tự mày mò, tự luyện tập thì khó có thể có được kết quả tốt.
Nói như vậy, hẳn là anh cũng dày dạn kinh nghiệm với golf, nếu một golfer mới muốn có từ anh một lời khuyên, anh sẽ chia sẻ những gì ?
Tôi nhận thấy những người mới chơi golf có tâm lý và quan điểm khá giống nhau. Tôi gópý rằng, thay vì cố sức tập bạn nên tập đánh bóng với số lượng vừa phải. Cố gắng vượt qua những thách thức ban đầu khi đến với golf. Điều quan trọng nữa, bạn nên đăng ký học ở những nơi có thày giáo đầy đủ bằng cấp chuyên môn, có kỹ năng truyền đạt hoặc thuê thày dạy và học hành một cách nghiêm túc. Hãy học cách trung thực trong thi đấu.
GOLFER NGUYỄN HỒNG HẢI
* CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN ĐÔNG DƯƠNG
* NĂM CHƠI GOLF: 2009
* HANDICAP: 3
* HẠNG 4 GIẢI VÔ ĐỊCH NGHIỆP DƯ QG 2015
* GOLFER NGHIỆP DƯ ĐẦU TIÊN XUNG TRẬN
TẠI GIẢI NHÀ NGHỀ QUỐC TẾ (HO TRAM OPEN)
* THÀNH VIÊN TUYỂN MIỀN BẮC CHIẾN THẮNG
TẠI CUP ĐỒNG ĐỘI VGA UNION CUP 2016
GOLF, SỨC KHỎE VÀ KINH DOANH
Golf có ý nghĩa đối với anh như thế nào? Chơi golf mất rất nhiều thời gian, anh làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống, công việc và golf? trong khi anh vẫn giữ được khả năng chơi rất tốt như vậy?
Như bất cứ doanh nhân nào, công việc kinh doanh rất nhiều áp lực, thường xuyên tiếp khách, uống rượu, di chuyển….Tôi coi golf là một biện pháp giúp xả stress hữu hiệu, giúp đầu óc thanh thản hơn. Đối với bản thân tôi, một doanh nhân, golf lại càng có ý nghĩa. Nó thể hiện ở các mặt sau:
Lợi ích về sức khỏe: Trước khi đến với golf, sức khỏe của tôi không được tốt, cơ thể trì trệ, nặng nề. Sau một thời gian chơi golf, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, chỉ số cân nặng đạt tiêu chuẩn. Tôi cảm thấy như thể thời thanh niên.
Giúp ích cho công việc kinh doanh: Golf thực sự là một môn chơi đẳng cấp dành cho tất cả những người đam mê thể thao. Trong quá trình chơi golf, tôi đã gặp gỡ và kết nối với nhiều đối tác tốt, điều đó khiến cho công việc thêm thuận lợi hơn. Tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều người đến với golf hơn nữa để giúp ích cho cuộc sống.
Tôi có đặc điểm rất quyết liệt trong mọi tình huống. Một khi đã đam mê điều gì thì tôi luôn luôn cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu, golf cũng vậy. Sau những trận bị “bể”, tôi sẵn sàng sửa sai bằng cách về sân tập cả nghìn bóng, sửa lại những động tác sai cho đến khi cải thiện mới thôi. Tôi nghĩ rằng, bản thân luôn tự cân bằng, dù trong công việc, golf hay bất cứ môn thể thao nào khác. Trong thể thao, năng khiếu vẫn chưa đủ, phải khổ luyện mới thành tài. Muốn chơi tốt và giữ được mức handicap, không có cách nào khác là phải tập luyện không ngừng.
Mỗi tuần tôi luôn dành thời gian luyện tập 3 buổi trên sân tập và 2 lần ra sân hoặc lên tới 3 buổi ra sân nếu thu xếp được thời gian. Với những đối tượng có single handicap như tôi (HDC 3), phải thực hiện như vậy mới có thể duy trì được phong độ ổn định.
Người ta thường cho rằng bàn thảo công chuyện, thậm chí giành được những hợp đồng từ sân golf, cũng như ở trên bàn tiệc thì thuận lợi hơn là trong các phòng họp. Với những thực tế từng trải, anh đánh giá điều này thế nào?
Quả thật, đây là điều có lý. Tất nhiên là khi ký kết chính thức nghiêm trang cần phải có phòng họp. Nhưng hầu hết các khâu trước đó thì lại diễn ra ở bên ngoài. So với trong phòng họp thì bàn chuyện làm ăn trên sân golf mang lại tâm lý thoải mái hơn nhiều. Không khí trong phòng họp thì khá nghiêm nghị, ai cũng phải cố thể hiện bản thân một cách tốt nhất, thế nhưng để hiểu thêm về đối tác thì nên mời họ ra sân và cùng chơi golf.
Bạn biết đấy, đồng hành cùng nhau suốt nửa ngày trên sân golf, các đối tác sẽ thể hiện bản tính, suy nghĩ của mình rõ ràng hơn bởi golf thường chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau: vui, buồn, lo lắng, thăng hoa… giống như cuộc sống hàng ngày của mỗi con người.
Người Trung Quốc có câu: “Nếu bạn muốn biết tính cách của ai, hãy chơi cờ với họ” hoặc dân golfer có câu: “Nếu muốn hiểu ai, hãy ra sân và chơi golf cùng họ”. Tôi cho rằng, golf là một phương tiện vô cùng hiệu quả, giúp mọi người thêm hiểu nhau hơn.
VĂN HÓA GOLF NƯỚC NGOÀI
Là người từng đi nhiều nước, anh thấy chơi golf ở nước ngoài có gì khác với Việt Nam? Các doanh nhân nước ngoài quan niệm về golf ra sao? chỉ là đơn thuần đam mê, cho sức khỏe, hay là cả cho quan hệ kinh doanh như ở Việt Nam?
Tôi có cơ hội chơi golf ở nhiều châu lục trên thế giới. Nhưng mỗi khu vực lại có một văn hóa chơi golf khác nhau: Chơi golf ở châu Á tương đối nhàn vì có người phục vụ, có caddy, có xe điện, tuy nhiên phí chơi golf khá cao.
Trong khi ở các nước phương Tây, nếu chơi golf tại những sân public (công cộng) thì phí chơi rất rẻ (vài chục USD/ vòng) nhưng bạn phải tự kéo gậy, hoàn toàn tự phục vụ bản thân. Nếu bạn chơi thường xuyên và không đủ sức khỏe, bạn chỉ có thể chơi được 9 hố là bỏ cuộc. Tại các quốc gia này, tiền thuê caddy sẽ rất đắt đỏ, trung bình 200-300 USD/vòng, thậm chí là 500 USD/vòng.
Tôi cũng từng có nhiều dịp chơi golf cùng với các doanh nhân quốc tế. Họ có vẻ thoải mái hơn bởi họ quan niệm golf chỉ mang tính chất giải trí, không nặng nề về thành tích, điểm số hay handicap. Cách nay vài năm tôi có dự một giải golf khá thú vị của Hội doanh nhân Asean, tại giải golf đó cứ 3 hố BTC đặt một chai whiskey và đề nghị bất cứ golfer nào khi đến đó đều phải uống một ly. Kết quả là vẫn có nhiều người chơi tốt, không khí rất vui vẻ.
Tại Việt Nam, không có nhiều giải đấu kiểu này. Thêm vào đó, các golfer thường chạy theo thành tích, có những hành vi gây áp lực cho bạn chơi, điều này gây ra những căng thẳng, sự ức chế không đáng có. Nhiều trận đấu khi đánh xong không ít golfer đã cảm thấy stress nặng nề.
* KỶ NIỆM “NHỚ ĐỜI” NHẤT:
Đánh +20 gậy khi đang có HDC 5 (sân Twin Doves, 2014)
* CÂY GẬY ƯA THÍCH NHẤT:
Wedge 56 (ghi được nhiều birdie nhất)
* CÚ ĐÁNH XA NHẤT:
Giải Longest drive tại giải Chervo Open 2015 (365 yards)
* HỐ GOLF ẤN TƯỢNG NHẤT:
Hố par5 ở các sân golf (đạt nhiều điểm birdie, eagle cũng như double và triple bogey nhất)
* NHỮNG GOLFER ƯA THÍCH NHẤT:
Rory McIlroy, Jason Day, Jordan Spieth
BIỆT DANH HẢI “GỖ” VÀ SỞ THÍCH CÁ NHÂN
Thường xuyên chơi golf, dường như anh cũng khá “kỹ tính” trong việc lựa chọn tham dự các giải đấu tại Việt Nam. Anh nghĩ sao về điều này?
Golf chỉ là một môn chơi giải trí như những môn thể thao khác. Hãy xác định golf cũng chỉ là một môn thể thao phục vụ cho cuộc sống, bởi thế khi chơi golf tâm lý nên thoải mái, không nên đặt nặng yếu tố thành tích, điểm số.
Trong các giải đấu nghiệp dư, BTC không nên phân biệt đối tượng là doanh nhân, quan chức,…và họ nên để cho các golfer có được cảm giác thoải mái tốt nhất, làm sao để người đạt được thành tích theo đúng khả năng thực sự của họ thay vì can thiệp sâu vào cuộc chơi.
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, hội golf đã tổ chức rất tốt các giải đấu của họ, mang lại sự hài lòng cho người tham gia, có thể kể đến một số giải như: Chervo Vietnam Open do HS Golf tổ chức, Thu Duc Garden Homes, Haiphong Open của Hội Golf Hải Phòng hay một số giải đấu do Hội golf TPHCM tổ chức. Nếu Việt Nam có 20 giải đấu như trên thì phong trào golf sẽ lớn mạnh hơn, qui củ hơn và tạo ra hấp lực mạnh mẽ cho các golfer hơn.
Bên cạnh đó, đã có một số giải đấu để lại những vấn đề đáng quan tâm. Tôi nghĩ vấn đề này khó có thể tránh được, cá biệt đến giải chuyên nghiệp quốc tế còn có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra là nên khắc phục và phải nhanh chóng sửa sai ở những giải sau. Nếu là lỗi của BTC thì nên khắc phục bởi không phải golfer nào cũng trung thực trong thi đấu. Do đó tất cả những người tham gia phải có ý thức tốt.
Trong lựa chọn giải đấu thì như vậy, còn trong trang phục golf, anh có phải cân nhắc như vậy ?
Hầu hết trang phục golf vốn đã rất chất lượng rồi. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào sở thích, độ phù hợp với mỗi cá nhân. Tôi đã sử dụng quần áo của nhiều hãng thời trang golf khác nhau nhưng hiện nay tôi ưa thích sử dụng quần áo, phụ kiện của hãng thời trang Ý, Chervo do công ty HS Golf phân phối độc quyền tại Việt Nam. Nói thật là, với tôi, chưa có hãng nào thay thế được trang phục của Chervo về chất lượng cũng như hình thức. Tôi đánh giá, đây là trang phục golf tốt nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện sử dụng đồ Chervo bởi so với mặt bằng chung, giá của hàng Chervo ngang với đồ hiệu. Rất mong là công ty HS Golf có chế độ ưu đãi tốt hơn cho cộng đồng golfer và kiến nghị với nhà sản xuất điều chỉnh giá bán tốt hơn nữa để nhiều người có điều kiện sử dụng đồ Chervo hơn.
Ngoài golf, anh có tham gia môn thể thao nào khác?
Tôi vốn đam mê thể thao từ nhỏ.Trước khi chơi golf tôi từng tập võ Thiếu Lâm Phật Sơn suốt gần 20 năm. Kể từ khi đam mê golf tôi ít có thời gian luyện võ nhưng hàng ngày tôi vẫn thu xếp dành ra 30 phút để luyện võ.
Một chút riêng tư, nhiều người đoán già đoán non biệt danh Hải “Gỗ” của anh xuất phát từ công việc kinh doanh gỗ của anh trước đây, người lại cho rằng vì tính anh cứng như gỗ, hoặc chơi gậy gỗ giỏi. Sự thật là…
Là cái nào cũng đúng. Những người biết tôi từ lâu khi tôi còn kinh doanh đồ gỗ ở thị trường 3 nước Đông Dương (Việt Nam-Lào-Campuchia) thường gọi tôi như vậy. Nói thật là, không biết có sự trùng hợp gì hay sự liên hệ nào không vì sau này khi chơi golf, nhiều golfer đánh giá tôi là một trong những người đánh gậy gỗ rất hay trong số các tay golf nghiệp dư ở Việt Nam. Nhưng dù sao tôi thấy điều này khá thú vị và… hợp với mình.
Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Theo Golf Plus