Nhắc đến Nick Faldo là nhắc đến vô vàn thành tích đỉnh cao như 3 lần vô địch Masters, dắt túi 6 Major, giành hơn 40 chức vô địch và có 98 tuần đứng trên đỉnh thế giới… Ông cũng là golfer người Anh duy nhất được nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ và hiện là một bình luận viên và là nhà phân tích thể thao với lối nói hài hước và cuốn hút, tạo ra tầm ảnh hưởng lớn.
Nhưng chỉ những người đã theo dõi Nick Faldo từ những ngày đầu tiên đặt chân lên sân golf mới biết, ông đã từng kỳ dị và thậm chí “xấu tính” đến khó chịu.
Không chỉ đối thủ mà cả đồng đội cũng không thể chịu nổi
Vẫn biết khi thi đấu thì đối thủ là không thể khoan nhượng, là để giành chiến thắng nhưng thái độ gay gắt của Nick Faldo thực sự gây ra rất nhiều sự khó chịu. Tom Lehman là một trong số những người đem uất ức lên mặt báo. “Ông ta lẩm bẩm điều gì đó, rồi chỉ tay ra lệnh cho tôi. Thái độ đó như kiểu: Nhặt quả bóng lên và cho vào túi đi, thằng ngu”, cựu vô địch The Open nói sau trận đấu với Nick Faldo tại Ryder Cup 1995.
Ngay cả đồng đội, những người sát cánh cùng Faldo để giành chiến thắng cũng không dễ hòa nhập với tính cách quyết liệt của ông. Sandy Lyle, từng đánh cặp cùng Nick Faldo tại Ryder Cup, nhận xét: “Tôi xem như chưa bao giờ quen Nick. Ông ấy bước qua tôi và không bao giờ thèm đoái hoài gì. Một câu chào hỏi cũng không”.
Một đồng đội khác của Faldo tại Ryder Cup, David Gilford, dành cho hiệp sĩ nước Anh những lời lẽ khắc nghiệt không kém: “Ông ấy không muốn nói chuyện với tôi và ngược lại. Nick muốn tôi làm nhiều thứ để ông ấy dễ dàng thực hiện cú đánh quyết định. Nick có tài thật, nhưng trên phương diện đối nhân xử thế, tôi chưa bao giờ đánh giá cao con người đó”.
Đáp lại những lời nhận xét đó, Faldo cho biết, ông thi đấu là để giành chiến thắng chứ không phải để kết bạn. Vì thế ông chỉ tập trung vào trận đấu, đừng mong cố gắng tạo ra các mối quan hệ xã giao với ông trên sân tập.
Sự quyết tâm đến khắc nghiệt
Dù yêu golf đến thế nào, rõ ràng không ai luyện tập bằng cách đánh tới 800 quả bóng mỗi ngày như Faldo (vào thời của ông). Faldo thậm chí không cần có một người bạn golf, một người thân tín nào trên sân golf mà chỉ chăm chăm tập trung cho bản thân. Thậm chí ông chẳng một lời giao tiếp trên sân, chỉ thực hiện bằng hành động.
Điều này có vẻ khác với tinh thần chung của golf – môn thể thao quý tộc đòi hỏi lối cư xử lịch lãm và hòa nhã. Còn Faldo thì hết bất hòa với đối thủ, đồng đội, ông cũng chẳng kiêng nể phóng viên đến cả cộng sự và HLV của chính mình.
Sự phũ phàng của Faldo đạt đến đỉnh điểm, khi ông sa thải HLV David Leadbetter chỉ qua một bức thư vào năm 1998. Hai người được cho là không nói chuyện kể từ đó đến nay. Leadbetter chính là người giúp Faldo có cú swing vào diện kinh điển của làng golf – vũ khí lợi hại đưa ông đến sáu danh hiệu major (chia đều cho hai giải Masters và The Open).
Leadbetter, về sau, nhận xét: “Ông ấy không phải người bình thường. Faldo không muốn có thêm bạn, ông ấy rất ít khi gọi người khác bằng tên và rất khó gần. Nhưng tôi không nghĩ sự cô độc ảnh hưởng đến Faldo. Để giành những danh hiệu lớn, bạn không nên là người bình thường”.
Hình ảnh duy nhất cho thấy một chút “nhân tính” trên sân golf của Nick Faldo, một trong những hình ảnh cao thượng nhất được lưu lại trong lịch sử môn golf là khi ông ôm lấy đối thủ của mình, cũng chính là người ông đã đánh bại để giành lấy chức vô địch – Greg Norman.
Faldo chính là người đã “đánh cắp” danh hiệu từ tay Norman – golfer được đánh giá là đen đủi nhất làng golf khi có tới bảy lần về nhì tại major. Đó là thảm kịch thực sự với Norman, khi ông mất chức vô địch vào tay golfer bị ghét nhất tại Australia. Đó là lần duy nhất trong sự nghiệp, Faldo cảm thấy có lỗi với đối thủ của ông.
Faldo đã không ăn mừng. “Nếu tôi là ông ấy, tôi sẽ đau khổ suốt đời khi mất chức vô địch như vậy”, Faldo chia sẻ. “Tôi không có cảm giác mình đã đánh bại Norman”.
Viết tiếp tương lai của môn golf
Nếu như Jack Nicklaus và Tiger Woods là những người làm nên lịch sử golf thì Nick Faldo lại đang cố gắng tạo ra tương lai của môn thể thao này. Bên cạnh công việc làm bình luận viên và nhà phân tích thể thao, Faldo còn mở ra những học viện, tổ chức tới 40 giải Faldo Series phi lợi nhuận mỗi năm tại hơn 30 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với khát vọng ươm mầm những tài năng trẻ của môn golf.
Đến giờ, Faldo Series vẫn được biết đến là giải đấu toàn cầu nghiệp dư duy nhất dành cho cả nam và nữ. Nơi đó, từng góp công đào tạo ra một loạt tên tuổi của làng golf hiện tại, và thậm chí có những người từng lên số một thế giới như Rory McIlroy hay Yani Tseng.
Faldo cũng thường trực đến những nơi diễn ra giải đấu do ông tổ chức, để kết hợp dạy golf cho trẻ em địa phương. Mà gần nhất là chuyến đến Việt Nam dự sự kiện chung kết Faldo Series châu Á lần thứ 12.
Dù trên sân golf, Nick Faldo từng là kẻ đáng ghét bậc nhất nhưng rõ ràng sau khi giải nghệ, công chúng đã thấy một Nick Faldo rất khác biệt và ngày càng bộc lộ được những góc đẹp nhất trong con người.