Hà Nội từng có một khu chơi golf 9 lỗ trong sân vận động Quần Ngựa, thành lập năm 1927, được vua Bảo Đại ghé thăm trong chuyến tuần du Bắc Kỳ năm 1933.
Như chúng ta đã biết, golf có xuất xứ từ Châu Âu và được du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1920, dưới thời vua Bảo Đại. Khi đó, golf ngay lập tức trở thành môn thể thao xa xỉ chỉ dành cho vua chúa và rất ít người biết đến.
Theo đánh giá của trang báo điện tử golfviet.vn, ngày nay, golf không còn là môn thể thao xa lạ với người Việt. Ngày càng nhiều sân golf được xây dựng, nhiều câu lạc bộ golf được mở ra. Từ nam giới, phụ nữ, cho đến trẻ nhỏ đều có thể chơi bộ môn này.
Trên thực tế, nước ta có khoảng 100 sân golf đang hoạt động, trong đó có gần 40 sân đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Hiện chưa có tài liệu nào xác định được bộ môn golf du nhập vào Việt Nam chính xác năm nào và nơi chơi golf đầu tiên được xây dựng ở đâu, vào khoảng thời gian nào? Dưới đây là một số thông tin về việc hoạt động chơi golf và việc xây dựng sân golf ở Hà Nội qua tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I:
Trong công điện số 187-cab/sport ngày 27/3/1939 quyền Thống sứ Bắc Kì đã yêu cầu Công sứ các tỉnh, Tư lệnh các đạo quan binh, Đốc lí Hà Nội và Hải Phòng cung cấp danh sách đất dành cho sân golf ở địa phương mình quản lý.
Trong thư trả lời công điện trên, Đốc lí Hà Nội đã nêu rõ “Hiện ở Hà Nội không có sân golf; tuy nhiên có một khu chơi golf nằm trong Trường đua ngựa (Champ des courses) thuộc tỉnh Hà Đông (nay là Sân Vận động Quần ngựa)[4].
Khu chơi golf này được thành lập năm 1927 và được mở cửa quanh năm. Số lỗ golf: 9 lỗ. Chiều dài của tuyến chơi: 2.205 mét. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 5 km. Vé vào cửa: 20 đồng/người hoặc/gia đình. Chi phí thuê Ca-đi là 0,25 đồng cho 18 lỗ. Khu chơi golf này thuộc sở hữu của Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội. Các hội viên chơi golf là 35 người.
Và theo thông tin trên tờ Hà Thành Ngọ báo số 1882, ra ngày 10/12/1933, thì trong chuyến Ngự giá Bắc tuần năm 1933, vua Bảo Đại đã chơi golf tại sân vận động Quần ngựa “Ba giờ chiều, Hoàng thượng mặc golf, trong sơ-mi, ngoài pi-vô-lơ cụt tay, quần trắng, ống lấp vào trong bi-tất ra trường đua ngựa đánh golf. Hoàng thượng chơi golf trong ngót một tiếng đồng hồ với bác sĩ Cartoux và nhiều người khác. Mãi đến gần năm giờ chiều, cuộc chơi mới tan….
Trong báo cáo gửi Thống sứ Bắc Kì ngày 13/10/1939 về dự án xây dựng sân golf, Công sứ Hà Đông đã nêu rõ: Các hội viên chơi golf của Câu lạc bộ Thể thao Hà Nội muốn xây dựng hẳn một sân golf đáp ứng đủ các tiêu chí hơn khu vực đang chơi golf hiện có và khu đất dự kiến xây dựng là công thổ rộng khoảng 7 ha thuộc làng Vĩnh Phúc và Liễu Giai. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được do gặp sự phản kháng của dân hai làng trên.
Như vậy, ngay từ năm 1927, sân vận động Quần ngựa đã từng có khu vực dành cho hoạt động chơi golf và người Hà Thành đã dần quen với loại hình thể thao này cũng như đời sống vật chất, tinh thần họ nói chung đã ít nhiều pha trộn yếu tố Tây hóa: từ khẩu vị ẩm thực (bánh mì, nước đá, cà phê, bia,…) đến cách giải trí đều có sự thay đổi theo lối sống phương Tây.