Hai giải Vô địch Nghiệp dư nam, nữ châu Á – Thái Bình Dương (AAC và WAAP) đều sẽ triển khai tại Thái Lan vào cuối năm nay.
Cả hai sự kiện đều là sân chơi quy tụ nhiều tài năng trẻ hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mang đến bệ phóng tiệm cận golf đỉnh cao quốc tế thông qua cơ hội thi đấu ở các sự kiện major danh giá.
Trong đó, Asia-Pacific Amateur Championship (AAC) do Liên đoàn golf khu vực (APGC) tổ chức từ năm 2009 với sự bảo trợ của major The Masters và R&A trao suất đặc cách dự hai major – The Masters và The Open Championship năm sau cho nhà vô địch, còn á quân được đấu vòng loại chung khảo tranh suất dự The Open Championship. Hideki Matsuyama từng về nhất kỳ 2010 và 2011 trước khi là ngôi sao ở đấu trường đỉnh cao PGA Tour, với dấu ấn đáng nhớ là golfer Nhật Bản đầu tiên đoạt The Masters vào năm 2021.
Với Women’s Amateur Asia-Pacific (WAAP) được R&A và APGC ra mắt vào năm 2018 , đấu thủ ẵm cúp sẽ nhận được suất mời thi đấu tại ba major nữ năm sau gồm AIG Women’s Open, Evian Championship và Chevron Championship (tên mới của ANA Inspirations). Ngoài ra, người này cũng sẽ được trao vé dự Augusta National Women’s Amateur – giải nữ nghiệp dư thành tích cao của Augusta National và Hana Financial Group Championship.
“Chúng tôi tạo ra giải vô địch này để trao cơ hội cho những nữ golfer hàng đầu khẳng định bản thân và hướng đến thi đấu chuyên nghiệp. Sự thành công ấy của chúng tôi được minh chứng khi bạn nhìn vào chiến tích của Yuka Saso, Patty Tavatanakit, Atthaya Thitikul và nhiều người khác”, Giám đốc điều hành R&A Martin Slumbers nói.
Năm nay, WAAP lần thứ tư diễn ra từ ngày 3 đến 6/11 tại sân Waterside trong Siam Country Club, Pattaya. Sân vận hành từ 2014 với độ dài thiết lập có thể tới 7.400 yard được chọn là chủ nhà giải hồi 2020, trước lúc lâm vào làn sóng bị huỷ vì Covid-19. Năm 2023, WAAP sẽ trở lại lịch đấu quen thuộc vào tháng Ba.
“Thái Lan đang tiếp tục sản sinh ra rất nhiều golfer tài năng, trong đó có nhà vô địch WAAP kỳ khai trương là Atthaya Thitikul. Vì vậy, Thái Lan rất thích hợp để lần đầu đăng cai giải nữ nghiệp dư châu Á – Thái Bình Dương”, Chủ tịch APGC Taimur Hassan Amin cho biết.
Khởi tranh tuần trước đó (từ ngày 27 đến 30/10), AAC lần thứ 13 sẽ tranh tài tại Amata Spring Country Club ở Chonburi. Đây là lần đầu AAC trở lại sân Amata Spring sau dịp chủ trì giải hồi 2012.
“Chúng tôi rất mong đợi được mang Asia-Pacific Amateur Championship quay lại Amata Spring Country Club và quy tụ những golf thủ hàng đầu khu vực ở địa điểm đặc biệt này một lần nữa”, Chủ tịch APGC Amin, Chủ tịch major The Masters Fred Ridley và Giám đốc điều hành R&A Slumbers bày tỏ trong một tuyên bố chung.
Được thiết kế bởi Lee Schmidt và khai trương vào năm 2005, Amata Spring Country Club cũng là chủ nhà nhiều sự kiện quy mô như LPGA Thailand, giải vô địch quốc gia Thái Lan và giải đồng đội Royal Trophy. Ở dịp đầu tổ chức AAC, sân đấu này ghi nhà vô địch trẻ tuổi nhất lịch sử giải – 14 tuổi của Guan Tianlang người Trung Quốc, còn C.T. Pan về nhì, Matsuyama (thứ tư), Cameron Smith (T7). Sau đó, Tianlang trở thành người trẻ nhất tham dự và qua cắt The Masters 2013.
Ngoài Matsuyama, Cameron Smith – hiện đứng thứ tư thế giới và ẵm The Players Championship hồi tháng Ba, CT Pan, những tên tuổi PGA Tour khác như Si Woo Kim, Cameron Davis hay Kyoung-Hoon Lee,… cũng trưởng thành từ sân đấu AAC. Tựu trung, các đấu thủ từng tranh AAC đến nay đã giành được 21 cúp ở đấu trường hạng Nhất Mỹ.
Một số golfer Việt Nam từng góp mặt tại AAC từ năm 2014 đến 2019 gồm: Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Phương Toàn, Đặng Quang Anh và Nguyễn Bảo Long. Trong đó, Chí Quân chỉ vắng kỳ 2018 và hai dịp qua cắt loại. Tại WAAP, Nguyễn Thảo My là đại diện golf Việt duy nhất dự giải năm 2019.
Nguồn: Golf Việt