Sau quyết định của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 332 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại tại khu du lịch Vũng Tàu Paradise chính thức bị mất việc làm, tương lai cả gia đình những công nhân khốn khổ đó không biết đi đầu về đâu….
Trong đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ, tập thể cán bộ, công nhân viên của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise cho biết, ngày 26/5/2022, Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Nam Bình ký Quyết định số 4674/QĐ-CT cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty liên danh Vũng Tàu Paradise, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise.
Bằng việc ban hành Quyết định số 4674/QĐ-CT, Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu đã chính thức chấm dứt hoạt động của Công ty, đẩy 332 cán bộ, công nhân viên ra đường vì không có công ăn việc làm.
Trả lời phóng viên, đại diện công đoàn Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise cho biết, công nhân viên công ty rất sốc với quyết định nói trên cục Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Toàn bộ cán bộ, công nhân viên sững sờ, ai cũng bần thần như người mất hồn kể từ khi công ty thông báo quyết định cưỡng chế hóa đơn của ngành thuế.
Cục trưởng thuế cưỡng chế hóa đơn, 332 công nhân Vũng Tàu Paradise kêu cứu Thủ tướng
Được biết, trước thời điểm dịch bệnh Covid -19 xảy ra, doanh nghiệp này có trên 600 cán bộ, công nhân viên làm việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội, công ty đã bố trí sắp xếp lại lao động, hiện nay có 332 con người làm việc tại đây. “Có những người đã gắn bó với Công ty từ 10 – 20 năm, trong đó có rất nhiều trường hợp cả hai vợ chồng làm việc trong Công ty.
Với thu nhập bình quân 7 – 8 triệu đồng/tháng, đây là nguồn thu nhập đặc biệt quan trọng đối người lao động trong điều kiện hiện nay. Nhiều cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây có hoàn cảnh hết sức khó khăn như bệnh tật, ốm đau thường xuyên, phải đi thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ ăn học. Suốt gần 3 năm qua, Công ty cũng hoạt động cầm chừng trong thời gian dịch Covid – 19 bùng phát, toàn bộ nguồn thu của Công ty đều đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ sân golf, đời sống cán bộ công nhân viên vì thế càng vất vả hơn”, đại diện công đoàn cho biết.
Công nhân Nguyễn Thị Ngọc Yên cho biết, bà làm việc tại công ty này đã được 15 năm. Công việc chính của bà Yên là cắt cỏ, vệ sinh, chăm sóc sân golf. Những công việc phổ thông đó mang đến cho bà và gia đình nguồn thu nhập ổn định là 7 triệu đồng/tháng. “Chồng tôi làm lao động tự do, gia đình có con nhỏ, hiện nay đang đi thuê trọ nên chi tiêu hàng tháng tốn kém lắm. Theo thông báo của công ty, kể từ tháng này tôi phải nghỉ việc, mất việc thì con như nồi cơm bị đạp đổ, con cái đứt bữa, tôi không biết sống làm sao khi mất đi nguồn thu nhập vô cùng quý giá và công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm nay”, bà Duyên nói trong nước mắt.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vì xem Công ty như gia đình thứ 2 của mình nên toàn thể công nhân viên luôn nỗ lực làm việc, duy trì hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, việc Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn đã đẩy doanh nghiệp vào đường cùng, đẩy 332 cán bộ, công nhân viên Công ty vào cùng quẫn. Và kể từ ngày 26/5/2022, Công ty chính thức ngừng hoạt động. 332 cán bộ, công nhân viên không biết đi đâu về đâu, lấy đâu tiền để đong gạo, chữa bệnh, nộp học phí cho con và các chi phí thiết yếu khác trong gia đình.
Theo công nhân Đoàn Minh Dương, thời điểm dịch bệnh, tập thể cán bộ, toàn bộ công nhân viên nắm tay nhau chia sẻ khó khăn với công ty, và công ty cũng đã có những chính sách về tiền lương, bảo hiểm để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Do dịch bệnh Covid -19, do giãn cách xã hội nên Công ty mới “hồi sức” hoạt động trở lại được mấy tháng gần đây nhưng Cục trưởng Cục Thuế đã dập tắt “mầm sống” của người lao động. “Trong khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid -19 thì quyết định của Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu là đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Dương cho biết.
Được biết, nguồn thu duy nhất của Công ty hiện nay là đến từ kinh doanh dịch vụ sân golf. Tuy nhiên, quyết định của Cục Thuế ngừng sử dụng hóa đơn dẫn đến Công ty phải dừng hoạt động nên khách hàng vào sân chơi golf sẽ không thể thanh toán vì thiếu chứng từ hợp lệ. Như vậy, nguồn tiền duy nhất, nguồn sống duy nhất của từng ấy con người đã bị định đoạt bởi quyết định phong tỏa từ ngành thuế tỉnh này.
Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tác động rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, đặt dấu chấm hết cho doanh nghiệp FDI đầu tiên tại Việt Nam sau hơn 30 năm hoạt động. Ngoài việc cán bộ công nhân viên phải nghỉ việc, thì hàng loạt công trình tại dự án Vũng Tàu Paradise sẽ bị xuống cấp và nhanh chóng hư hỏng. Đơn cử, với hạng mục sân golf, chỉ trong 2 ngày không có người chăm sóc, mặt sân sẽ hư hỏng hoàn toàn. “Hàng ngày chúng tôi phơi nắng trên sân golf, chăm sóc cỏ, tưới nước để có một sân chơi thật tốt phụ vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh, việc sân golf dừng hoạt động thì cũng không khác gì tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng cửa ngành du lịch”, nhân viên caddy Huỳnh Thị Hương cho biết.
“Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn của Cục trưởng Cục Thuế Bà – Rịa Vũng Tàu là một quyết định độc đoán, thiếu tình người, không xem xét khách quan và toàn diện về quá trình phát triển của dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise”, đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ của 332 cán bộ, công nhân viên cho biết.