Golf là một trong những hoạt động quan trọng để thu hút du khách, nhất là du khách ở tầng cao, có thu nhập tốt và mức chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày. Du lịch golf ở nhiều quốc gia là mũi nhọn, mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Theo thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), hiện toàn quốc có khoảng 80 sân golf đang hoạt động. Số sân dự kiến sẽ đạt con số 100 vào cuối năm nay và sẽ tiến tới mốc 200 vào năm 2025. Các địa phương phát triển mạnh về golf nhất là những tỉnh vệ tinh của Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM như: Hòa Bình, Bắc Giang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Dương, Đồng Nai…
Các doanh nghiệp phát triển golf nhiều nhất là FLC Group (với FLC Ha Long Golf Club, FLC Sam Son Golf Links, FLC Quy Nhon Golf Links…); BRG Group (với King Island Golf Resort, Danang Golf Resort, Ruby Tree Golf Resort, Legend Hill Golf Resort, Golf Center); Vingroup (vớiVinpearl Golf Hải Phòng, Vinpearl Golf Nam Hội An, Vinpearl Golf Nha Trang, Vinpearl Golf Phú Quốc), Him Lam (với Tan Son Nhat Golf Course, Long Bien Golf Course…) hay ít hơn là: KN Investment (Long Thanh Golf), Novaland (PGA Golf NovaWorld Phan Thiet), Sun Group (Ba Na Hills Golf Club)…
Ngoài ra, thị trường đang chứng kiến làn sóng gia nhập “làng golf” của hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ đơn cử một tỉnh nhỏ như Bắc Giang, đầu năm 2022, UBND tỉnh này đã công bố quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với 13 sân golf, trong đó lớn nhất hiện nay là sân Amber Hills Golf & Resort (huyện Yên Dũng) thuộc sở hữu của Tập đoàn Amber.
Tuy nhiên, để nói về du lịch golf tại Việt Nam hiện còn sơ khai, do số lượng sân còn ít, chi phí chơi golf còn khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân và so với các nước trong khu vực. Để đưa du lịch golf Việt Nam phát triển, phó chủ tịch Hội bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA)- ông Thân Thành Vũ cho rằng bên cạnh việc phát triển hệ thống sân, điều cần thiết là phải tạo ra phong trào chơi golf rộng rãi để gây dựng đội ngũ chơi chuyên nghiệp, tham gia các giải đấu lớn, gây dựng nên thương hiệu và đưa được các giải đấu quốc tế tầm cỡ về tổ chức tại Việt Nam.
Ở nhiều nước, phong trào chơi golf mạnh mẽ đến mức từ người già đến trẻ nhỏ đều cầm gậy golf “vụt” thường xuyên mỗi tuần. Golf đi vào nhà trường như các môn thể thao đại chúng, có học viện đào tạo, được chăm lo phát triển. Để có một huyền thoại Tiger Woods như hiện nay, phải có một cậu nhóc Tiger Woods cầm gậy golf từ năm 2 tuổi. Còn ở ta, đa số người chơi golf đều ở độ tuổi trung niên. Tuổi này cầm gậy golf chỉ để rèn luyện sức khỏe, giao lưu làm ăn chứ không thể thi đấu đỉnh cao được.
“Muốn Việt Nam trở thành điểm đến của golf thế giới, nâng tầm du lịch golf, việc gây dựng phong trào là bước đi không thể thiếu. Và việc đó cần thực hiện càng sớm càng tốt”, ông Vũ nhận xét.