Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam
Trong phát biểu tại hội nghị “Golf và Du lịch” ở TP.Đà Nẵng, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch golf là lĩnh vực được ngành du lịch đặt mục tiêu phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ gần 80 triệu lượt khách nội địa, vượt xa mục tiêu 60 triệu khách nội địa của năm; đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, đạt 24% mục tiêu. Tổng thu từ du lịch đạt trên 356 nghìn tỉ đồng. Cùng với sự tăng trưởng về khách du lịch, ngành du lịch Việt Nam cũng liên tục được các tổ chức uy tín và danh tiếng trên thế giới bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực Châu Á và trên thế giới, đặc biệt 4 năm liên tiếp 2019-2021 được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á và 2 năm 2019, 2021 được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất thế giới. Việc Việt Nam liên tiếp nhận được các giải thưởng danh giá trên đã khẳng định thương hiệu, sức hút và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO), hiện có trên 60 triệu người chơi golf trên thế giới và mục đích đi du lịch golf đứng thứ ba về động cơ du lịch trong khu vực châu Á. Toàn cầu hiện có khoảng 700 công ty du lịch golf thuộc 61 quốc gia là thành viên của IAGTO, mỗi năm thực hiện khoảng 2,5 tỷ USD giá trị các hợp đồng cung cấp dịch vụ, phục vụ khoảng 1,9 triệu người chơi golf.
“Việt Nam được đánh giá là thiên đường golf lý tưởng của khu vực châu Á với địa hình đa dạng, bờ biển dài với những bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới, đồi núi, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa hầu như quanh năm, điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển sân golf và loại hình du lịch golf” – ông Khánh cho biết.
Việc phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch golf tới du khách trong và ngoài nước, bên cạnh đó khuyến khích, thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch golf, trong việc tổ chức các giải golf, nâng cao chất lượng các tiện ích kèm theo như nghỉ dưỡng như resort, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe. Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng và phát triển các sân golf cũng như đầu tư các khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf.
Việc hình thành các khu phức hợp nêu trên đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng và sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua. “Chúng tôi cho rằng động lực cho phát triển du lịch thời gian tới chính là sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp vào cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển hệ thống sân golf tại Việt Nam. Tổng cục Du lịch đề nghị Hiệp hội Golf, Liên đoàn Golf châu Á, các sân golf nên tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong kết nối các điểm đến du lịch, kết nối các sân golf, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ golf, từ đó mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm, cùng tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường có nhiều khách du lịch golf như Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch golf nói riêng.