Không mất quá nhiều chi phí và tốt cho việc rèn luyện sức khỏe, ngày càng nhiều người trẻ xứ củ sâm lựa chọn đến với bộ môn tennis, nhất là sau đại dịch.
Tại Hàn Quốc, thị trường dụng cụ và trang phục chơi tennis đạt khoảng 250 tỷ won (190 triệu USD) vào năm 2021, với khoảng 500.000 người chơi. Hiện, môn thể thao này ngày càng phổ biến và được ưa chuộng trong giới trẻ, theo Korea JoongAng Daily.
Gần đây, một hashtag đề cập đến những người mới bắt đầu chơi tennis được chia sẻ khoảng 270.000 lần trên mạng xã hội.
Lotte Department Store đã mở một cửa hàng bán lẻ đồ tennis tại Lotte World Mall Seoul từ 25/6 đến 3/7 để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng. Khoảng 200.000 khách đã ghé thăm, một con số cao bất thường.
Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang cũng đang tung ra nhiều mẫu quần áo chơi tennis hơn. So với năm ngoái, thương hiệu Fila đã gửi số trang phục nằm trong bộ sưu tập Xuân Hè nhiều gấp 3 lần đến các cửa hàng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Vào đầu tháng 4, hơn 80% lượng trang phục đã được bán ra.
Các thương hiệu dành cho phụ nữ cũng đang tham gia vào cuộc đua. Lucky Marche đã ra mắt bộ sưu tập đồ tennis mang tên Lucky Le Match vào tháng 3 và ghi nhận doanh số bán hàng tăng nhanh. Một số sản phẩm của thương hiệu Athe Vanessabruno cho thấy độ ưa chuộng khi được khách đặt hàng lại.
Theo trang web mua sắm trực tuyến W Concept, váy tennis và tất thể thao của các thương hiệu chuyên đồ tennis bán chạy nhất. Ví dụ, thương hiệu Clove đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 774% trong nửa đầu năm nay so với năm ngoái.
Thị trường dụng cụ chơi tennis cũng sôi động. Theo trang SSG.com ngày 13/7, so với năm ngoái, doanh số bán dụng cụ và đồ thể thao đã tăng 232% trong tháng 6. Váy và chân váy hay các phụ kiện như dây buộc tóc, nẹp cổ tay cũng được mua nhiều.
“Do nhu cầu về vợt tennis tăng cao nên chúng tôi đang thiếu hụt nguồn cung. Thị trường tennis vốn phát triển chậm rãi song trở nên bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Với nhu cầu cao từ khách hàng thuộc thế hệ MZ, số người chơi tennis đã tăng 20% và các thị trường liên quan tăng khoảng 40%”, Kim In-ho, giám đốc thương hiệu của Amer Sports Korea, cho biết.
Lee Ju-young, nhân viên văn phòng ở Yongsan, trung tâm Seoul, bắt đầu chơi tennis cách đây khoảng 7 năm. Theo Lee, nhiều người bạn của cô cũng đang hứng thú với môn thể thao này. Trong câu lạc bộ Lee tham gia ở một trường quản lý kinh doanh, 80% là người mới bắt đầu chơi.
“Sự thể hiện tuyệt vời ở các giải đấu quốc tế của những vận động viên như Chung Hyeon khiến tôi muốn thử chơi môn này”, Lee cho biết.
Nở rộ sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã góp phần vào trào lưu chơi tennis ở Hàn Quốc. Trong khi các hoạt động ngoài trời bị hạn chế do dịch, bộ môn này có thể chơi ở các sân trong nhà với lượng người tham gia nhỏ.
Chi phí chơi tennis cũng rẻ hơn nhiều so với chơi golf.
Choi Hyeon-jin, nhân viên văn phòng ở Dongdaemun, Seoul, cho biết: “Tôi chỉ tốn 60.000-70.000 won cho một lớp học tennis 1-1 vào ban ngày và những gì tôi phải mang theo là giày. Tôi bắt đầu quan tâm đến môn này sau khi thấy nhiều bài đăng trên mạng xã hội”.
Theo Choi, tennis là môn thể thao cần hoạt động nhiều hơn hơn so với golf nên sẽ tốt hơn trong việc rèn luyện thể lực.
Bên cạnh đó, số lượng sân tennis trong nhà gia tăng cũng góp phần vào xu hướng này.
“Trước đây, nhiều người không thể học chơi vì không có đủ sân tập. Từ năm ngoái, khoảng 400-500 sân trong nhà đã được xây dựng, góp phần mở rộng nhanh chóng thị trường này”, Cho Min-jeong, giám đốc điều hành, Tennis Foret, một sân tennis trong nhà ở Seoul, nói. Anh cho biết thêm số phòng tập tennis thực tế ảo, lấy cảm hứng từ môn golf, cũng đang gia tăng.
“Các lớp học một ngày vào cuối tuần hay thậm chí trong tuần đã kín chỗ. Nhóm chơi nhiều nhất là phụ nữ trong độ tuổi 30 và các cặp vợ chồng trẻ hay các bà mẹ trẻ đi cùng con cái”, Cho thông tin.