Tại xứ củ sâm, nhiều người chơi golf, đặc biệt là phụ nữ trẻ, không chỉ để rèn luyện cơ thể mà còn vì quan tâm đến thời trang của môn thể thao này.
Kể từ khi dịch Covid-19 dần ổn định, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu đổ xô đến các cửa hàng trực tuyến và cả online để mua đồ chơi golf, đặc biệt là quần áo và phụ kiện, theo Korea JoongAng Daily.
Tuần trước, trang thương mại điện tử OKmall cho biết doanh số bán đồ chơi golf trong tháng 5 đã tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán phụ kiện chơi golf như mũ, thắt lưng tăng vọt 446%, quần áo tăng 148%, giày tăng 59%. Riêng về quần áo, doanh số bán đồ nữ tăng 324%, đồ nam tăng 130%.
Trang thương mại điện tử nội địa Mustit cũng ghi nhận doanh số bán sản phẩm liên quan đến golf trong quý I cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm nhu cầu mua đồ chơi golf cao vì các golfer chuẩn bị cho mùa chơi golf, thường bắt đầu vào mùa xuân, theo Mustit. Chỉ trong tháng 3, doanh số bán hàng đã tăng gấp 26 lần so với tháng 3/2021.
Cả OKmall và Mustit đều cho rằng điều này có thể do các quy định về giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, khiến ngày càng nhiều người ra ngoài.
Seo Cheon-beom, người đứng đầu Viện Công nghiệp Giải trí Hàn Quốc (KoLe), nhận định sự phổ biến đột ngột của golf ở Hàn Quốc đang nghiêng về thế hệ trẻ, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi 20. Năm 2019, một nữ golfer điển hình đến sân trung bình 1,3 lần/năm. Con số này đã tăng lên 16,3 vào năm 2021.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như golf là môn khó thành thạo, khiến người chơi liên tục đến sân để tiến bộ hơn. Loại hình chơi golf trong nhà cũng đóng vai trò lớn bởi ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc, giúp công chúng dễ dàng làm quen với môn thể thao này trước khi tiến tới chuyển sang chơi ở sân ngoài trời.
Vì vậy, dù Hàn Quốc không có nhiều sân golf, việc bắt đầu chơi môn thể thao này không quá khó khăn.
Không ngại mua đồ đắt tiền
Tháng 4/2021, CJ ENM ra mắt thương hiệu quần áo chơi golf cao cấp mang tên Basquiat Brooklyn, là một phần của chuỗi thương hiệu Basquiat. Trong cuộc họp báo hồi đầu tháng này, Hong Seung-wan, giám đốc sáng tạo của CJ ENM, cho biết xu hướng gần đây cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ và người chơi golf trẻ ở độ tuổi 20, 30 mạnh tay chi tiền cho những bộ đồ đắt đỏ.
Theo Hong, điều này là do nhóm golfer trên không muốn đụng hàng với những người khác và cố gắng xây dựng phong cách riêng của mình.
Basquiat Brooklyn khác với các trang phục chơi golf của Basquiat Golf ở chỗ chúng được sản xuất với số lượng hạn chế và có mức giá đắt hơn, thậm chí không có bán ở các trang thương mại điện tử thông thường hay kênh mua sắm tại nhà, nhằm tạo hình ảnh thương hiệu cao cấp.
Những chiếc áo phông của thương hiệu này có giá khoảng 200.000-300.000 won, quần dài 300.000 won. Nhiều công ty tên tuổi khác cũng tham gia vào lĩnh vực trang phục chơi golf như KUHO của Samsung C&T Fashion, Philipp Plein Golf của Shinsegae International.
Một lý do khác khiến Hàn Quốc nổi lên như một thánh địa thời trang cho đồ chơi golf là phong cách chơi ở quốc gia này.
“Trong khi Mỹ và châu Âu không quan tâm lắm đến việc tạo phong cách thời trang chơi golf, Hàn Quốc và Nhật Bản lại khác”, Hong nhận định.
“Ở Hàn Quốc, golf được hiểu là trò tiêu khiển thường thu hút những người có địa vị xã hội cao. Mọi người muốn trông đẹp khi xuất hiện trước mặt người khác và khi bạn nghe mọi người phàn nàn về việc họ mệt mỏi, vai đau như thế nào vì chơi golf liên tục, đó thực chất là một cách khoe khoang ngầm. Vì vậy, khi bạn chơi golf, mọi người có xu hướng nghĩ là bạn ở tầng lớp cao hơn”, Seo cho biết.
“Để làm kinh doanh, bạn phải trông đẹp. Để trông đẹp, người ta tìm đến những bộ quần áo thiết kế sang trọng. Đây là lý do ở Hàn Quốc, mọi người hay nói: ‘Quần áo chơi golf càng đắt càng bán chạy'”, Youn Hae-sook, nhà phê bình thời trang và tác giả của nhiều cuốn sách về thời trang, nhận xét.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh số bán đồ chơi golf bao giờ cũng cao. Năm 2021, do đại dịch, rất khó để thu hút người chơi mới đến với môn thể thao này và đến các cửa hàng bán đồ chơi golf. Hiện, các quy định giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, so với năm 2021, doanh số bán các mặt hàng nhóm này cuối cùng cũng tăng lên.
Youn tiếp tục: “Nhóm người chơi trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ không chỉ mặc đồ chơi golf khi ở trên sân. Thế hệ trẻ có những lựa chọn thời trang linh hoạt hơn, họ thay đổi nhiều phong cách. Họ muốn là cá nhân nổi bật, chọn cách kết hợp đồ chơi golf ngay cả với những trang phục thường ngày”.
Theo National Golf Foundation, có hơn 16.000 sân golf chỉ riêng ở Mỹ vào cuối năm 2021 và chiếm xấp xỉ 42% số sân golf trên thế giới.
“So với năm 2020 và 2021, quần áo chơi golf hiện cũng là xu hướng ở Mỹ, nhưng có nhiều khác biệt so với Hàn Quốc. Ở xứ củ sâm, mọi người có xu hướng khoe những bộ đồ đắt tiền và cách họ chơi một môn thể thao đắt tiền trên mạng xã hội. Tương tự, các thương hiệu đồ chơi golf cũng bắt đầu thực hiện chiến lược tiếp thị đồ xa xỉ – bán với số lượng ít, giá cao”, Youn nhận định.