Đây là gậy không thể thiếu trong túi gậy của mỗi golfer, vì nó sẽ được dùng thường xuyên trong những tình huống đánh bóng ở bunker quanh green, hay những cú chip ở khoảng cách gần. Nhưng bạn đã thực sự hiểu rõ về cây gậy này? Hãy cùng tìm hiểu thêm về gậy Wedge qua những chia sẻ của PGA Phạm Minh Đức.
1. Gậy Wedge (gậy kĩ thuật) không nên được phân loại chung với gậy sắt. Một số hãng thiết kế các gậy sắt tương đương với gậy wedge về độ loft. Ví dụ, Aw (approach wedge 50 độ – 52 độ), Sw (sand wedge 54độ – 56 độ) nhưng lại cùng chung ngôn ngữ thiết kế của gậy sắt khác như 7, 8, 9. Đây là cách thiết kế của hãng đó và thường phù hợp với các bộ gậy full set.
Ngược lại một số hãng thiết kế các gậy wedge theo cách riêng để phù hợp với điều chỉnh trong từng trường hợp, các gậy wedge này thường “chuyên” hơn và biến hóa được linh hoạt hơn một gậy sắt tương đương: ví dụ gậy kĩ thuật 56 độ với thiết kế độ bounce và đáy mài riêng sẽ có nhiều khả năng điều khiển cú đánh hơn các gậy Sw có độ loft 56 độ. Ngược lại, gậy Sw có độ loft 56 độ sẽ dễ thực hiện các cú full swing dễ hơn so với gậy wedge 56 độ.
2. Một bộ gậy full set được phép thi đấu có tối đa 14 gậy, các golfer nên lựa chọn nhiều gậy wedge và hi sinh các gậy dài như gỗ (fairway wood) hoặc hybrid (rescue/utility) nếu thấy ít khi sử dụng các cây gậy này. Một bộ gậy wedge nên có dải độ loft biến thiên từ 4 tới 6 độ (tối đa). Hai cây gậy wedge liền nhau mà cách xa hơn 6 độ loft sẽ rất dễ sinh ra khoảng trống mà người chơi sẽ phải dùng kĩ thuật của mình để tùy biến điều khiển khoảng cách. Thông thường 4 độ loft chênh giữa các gậy wedge là vừa đủ và dễ kiểm soát.
3. Gậy đánh cát thông thường có độ loft 54 độ hoặc 56 độ vì đây là số độ loft vừa phải và mang lại đường bóng trung tính trong các tình huống đánh cát ở hầu hết các loại cát khác nhau. Tất nhiên người chơi có thể xây dựng sở trường riêng với gậy 52 độ hoặc 60 độ khi đánh cát. Không có công thức cho mỗi gậy và người chơi hoàn toàn nên sáng tạo sở trường riêng của mình. Lưu ý, không nên có gậy wedge quá 60 độ nếu điều đó không thực sự cần thiết.
4. Bounce là độ mở của đáy gậy và khi lựa chọn gậy wedge thì bounce là yếu tố đầu tiên nên để ý tới sau độ loft. Nói một cách đơn giản, vì bounce được hiểu là độ mở của đáy gậy (ngược lại với độ loft là độ mở của mặt gậy) nên bounce không có khái niệm “dày” hay “mỏng” như nhiều người vẫn hiểu. Bounce có thể là nhiều hay ít và không có con số chung vì với mỗi độ loft khác nhau, độ bounce nhiều và ít sẽ tương ứng khác nhau. Ví dụ, gậy 56 độ phổ biến thông thường có độ bounce ít khoảng 6 – 8 độ và nhiều khoảng 14 độ tùy từng hãng.
Vai trò của bounce: bounce càng nhiều càng giúp người chơi đánh xuống dễ dàng và thoát gậy (hướng tấn công bóng theo phương cắm từ trên xuống), bounce càng ít càng giúp người chơi di chuyển đầu gậy theo hướng lướt ngang mặt đất và tránh ngang thân bóng. Rất nhiều tình huống xử lý bằng cây gậy wedge cả trên cỏ lẫn trên cát đòi hỏi người chơi đánh cắm xuống, vậy nên bounce nhiều thông thường là lợi thế và dễ linh hoạt hơn các gậy có bounce ít. Nếu bạn hay đánh ngang thân bóng thì nên xem lại kĩ thuật của mình trước khi dựa dẫm vào các gậy có bounce ít, vì việc này khả năng cao là sẽ không giúp bạn cải thiện kĩ thuật.
5. Grind là độ mài của đáy gậy và đây là yếu tố quan trọng tiếp theo. Đáy gậy bao giờ cũng có hai cạnh được hiểu là cạnh trước (phần sát mặt gậy) và cạnh sau (phía ngược lại). Khi chúng ta mở mặt gậy trong những tình huống nhất định thì cạnh sau có thể sẽ chạm đất trước, khi đóng mặt gậy nhiều (de-loft) thì cạnh trước sẽ chạm đất đầu tiên.
Độ mài của đáy gậy chính là độ mài mòn phần cạnh sau của đáy gậy. Với một gậy được thiết kế để đi lướt ngang (thông thường có độ bounce ít, ví dụ 58.04 – 58 độ loft, 04 độ bounce), vì được thiết kế phù hợp với cách đánh lướt ngang nên đáy gậy sẽ được mài mòn nhiều để phục vụ việc lướt dễ dàng hơn.
Ngược lại gậy nào không có độ mài đáy (full grind) thì thông thường chính là gậy có độ bounce nhiều (ví dụ 56.14), chính vì được thiết kế để tấn công hướng cắm nên cạnh mài sau sẽ không cần thiết, đáy gậy không mài sẽ tạo cảm giác “dày” hơn và dễ bị hiểu nhầm là độ bounce “dày”.
6. Lie angle (độ nằm cổ gậy) là một yếu tố không thể bỏ qua khi lựa chọn gậy wedge.
Lie angle với các gậy có độ loft nhiều như các gậy kĩ thuật sẽ ảnh hưởng tới hướng đường bay nhiều hơn nhiều so với các gậy có độ loft thấp như fairway wood hay hybrid. Lie angle nên luôn được đo qua impact thay vì tư thế setup.
Với các gậy đã mua sẵn, người chơi vẫn có thể mang qua các cơ sở fitting để đo và bẻ lại. Việc bẻ cổ gậy đòi hỏi thợ có tay nghề để không gây sai sót tới độ loft và không để lại dấu vết bẻ gậy cũng như thay đổi kết cấu ở cổ gậy.
7. Shaft – cán gậy cho gậy wedge thông thường nên nặng hơn và mềm hơn so với loại sử dụng cho bộ gậy sắt. Lý do: gậy wedge thường ít sử dụng để full swing, chủ yếu là trong các cú đánh ngắn, nên đầu gậy sẽ di chuyển chậm, việc sử dụng gậy có flex mềm hơn dễ tạo cảm giác “búng” và “thật tay” hơn so với việc sử dụng một chiếc cán cứng. Tương tự như vậy trọng lượng lớn hơn sẽ mang lại cảm giác đánh “đầm tay” và dễ cảm nhận hơn. Ví dụ golfer đang sử dụng cán NS Pro 850 (S) với gậy sắt có thể dùng cán NS Pro 950 (R) cho gậy wedge (hoặc nặng hơn). Tiger Woods cũng hay sử dụng cán Dynamic Gold X100 với gậy sắt và S400 với gậy wedge.
Nguồn: GolfNews