Golf là bộ môn thể thao với điều kiện sân chơi đặc thù nhằm tạo điều kiện cho golf thủ có cơ hội thử thách khả năng và cải thiện đẳng cấp. Mỗi sân golf đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng nhưng để trở thành sân golf tiêu chuẩn quốc tế cần phải đạt được những tiêu chí nghiêm ngặt.
Những tiêu chí dành cho sân golf tiêu chuẩn quốc tế
Ắt hẳn bạn đã nhiều lần biết đến những sân golf tiêu chuẩn quốc tế và đó cũng chính là những địa chỉ tin cậy để bạn chinh phục những vòng golf phải không? Nhưng liệu rằng bạn đã biết những quy định của sân golf tiêu chuẩn quốc tế chưa?
Chiều dài sân golf tiêu chuẩn quốc tế
Một sân golf tiêu chuẩn thông thường có 18 lỗ (1 vòng chơi) tuy nhiên vẫn có sân golf 9 lỗ (2 vòng chơi) và cả những sân golf 36 lỗ và 72 lỗ. Sân golf 18 lỗ được xem là sân golf tiêu chuẩn, có diện tích trung bình là 57ha. Một lỗ sẽ bao gồm các khu phát bóng, đường bóng và đồi quả, các chướng ngại vật khác. Với sân golf nam độ dài sẽ khoảng từ 6.500 đến hơn 7.000 thước Anh, đây là tổng khoảng cách từ điểm phát bóng đến lỗ golf của cả 18 lỗ. Còn đối với sân golf cho nữ sẽ ngắn hơn với sự dịch chuyển điểm phát banh đến gần lỗ banh hơn.
Chiều dài điểm chuẩn sân golf tiêu chuẩn quốc tế
Quy định về lỗ gậy chuẩn (điểm chuẩn) par 3, par 4 và par 5 cho số đường đánh và tổng các cú phát bóng đến lỗ golf. Theo đó, mỗi lỗ golf được quy định gậy chuẩn sẽ tùy thuộc vào độ dài của đường bóng. Cụ thể: điểm par 3 dài tới 227m, par 4 là từ 227m-432m và par 5 là trên 432m.
Các lỗ golf sẽ được thiết kế nằm theo vòng để người chơi có thể quay trở lại điểm xuất phát ban đầu sau khi chơi hết 1 vòng golf. Cùng với đó cách thiết kế vòng tròn này giúp người chơi không bị va trúng bóng của người chơi khác ở các lỗ khác.Quy định về cỏ trên sân golf đạt chuẩn quốc tế
Chiều cao của cỏ, loại cỏ là một yếu tố quan trọng khi xem xét tiêu chỉ của một sân golf quốc tế. Tại những giải đấu quốc tế như PGA các tiêu chuẩn về cỏ, chiều cao, cách cắt cỏ được quy định chặt chẽ.
Thông thường trên sân golf có 3 khu vực có cỏ. Ở khu vực phát bóng được nối với lỗ golf bằng một đường cỏ gọi là Fairway, cỏ khu vực này được cắt đều và thấp. Ở hai bên đường đó gọi là rough cỏ cắt cao và không đều. Việc thiết kế sân golf như vậy nhằm tạo ra thử thách cho golfer khi giữ một cú đánh chính xác trong vùng fairway, bởi khi bóng rơi vào rough sẽ rất khó đánh.
Khi gần đến lỗ golf, golf thủ sẽ đưa bóng vào khu vực putting green, cỏ ở đây cắt rất thấp và rất đều để tạo thuận lợi cho golf thủ đưa bóng vào lỗ. Xung quanh khu vực putting green là những hồ nước hay hố cát, buộc golf thủ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện những cú đánh.
Các tiện ích đi kèm cần có của sân golf chuẩn quốc tế
Một trong những tiêu chí để đánh giá sân golf tiêu chuẩn quốc tế đó chính là những tiện ích đi kèm như đường đi, bãi đậu xe, khách sạn nghỉ ngơi dành cho golfer, khu vực nhà hàng,…Thông thường, những tiện ích này nằm trong hệ thống khép kín để tạo ra sự tiện lợi, đáp ứng tối đa hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục vụ golf thủ.
Những tiêu chí khác trong thiết kế sân golf quốc tế
Để trở thành một sân golf đạt chuẩn quốc tế ắt hẳn không thể không thẩm định những yếu tố về môi trường. Ngoài ra, các chuyên gia khi bắt tay vào thiết kế sân golf phải xác định được bán kính xung quanh có bao nhiêu dân số, trong vùng này có bao nhiêu sân golf đang hoạt động, địa hình nơi đây có phù hợp để xây dựng một sân golf hay không, lượng khách hàng và chi phí dự tính cho sân.
Thực ra, quy định tiêu chuẩn quốc tế sân golf nhằm mục đích đảm bảo chất lượng sân chơi, tạo ra những thử thách và nâng cao trình độ người chơi. Để làm được điều này, trong quá trình thiết kế sân golf cần có sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình – sắp đặt và môn khoa học địa lý.
Hiện nay, trong lĩnh vực thiết kế sân golf gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư Robert Trent Jones, Jr. Ngoài ra, các tay golf có kinh nghiệm nhiều năm thi đấu cũng tham gia góp sức xây dựng xây golf như Tiger Woods thiết kế sân Payne’s Valley Và các sân được thiết kế bởi những huyền thoại nổi tiếng thường được nhiều golfer tìm đến và khám phá.
Các sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam
Vượt qua những đánh giá khắt khe, hiện nay, Việt Nam có 80 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và con số này có thể tăng lên là 115 sân vào năm 2020. Hầu hết các sân golf Việt Nam đều có những đặc trưng về địa hình như đầm lầy, hồ, eo biển kết hợp cùng những cồn cát trắng, thảm thực vật phong phú tạo thành những chướng ngại vật hấp dẫn và thách thức các tay golf chinh phục.
Những sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế luôn là lựa chọn hàng đầu của các golf thủ tới tập luyện và trải nghiệm. Ngoài ra, đó cũng chính là những địa chỉ để lựa chọn tổ chức các giải golf chuyên nghiệp. Các sân golf ở Việt Nam có chất lượng tốt phải kể đến sân Tam Đảo, Yen Dung Golf Club, FLC Golf Links Sam Son, Sân golf Long Biên Hà Nội, BRG King’s Island Golf Club, Laguna Lăng Cô , Bà Nà Hills, Montgomerie Links Vietnam, Vinpearl Golf Nha Trang, FLC Golf Club Ha Long, Harmonie Golf Park, Tan Son Nhat Golf Course, Vietnam Golf …
Việt Nam không chỉ là nơi có nhiều điều kiện để xây dựng sân golf mà các sân golf của nước ta còn được giới chuyên giá, golfer trên toàn thế giới công nhận chất lượng.
Mới đây nhất, sân golf Bà Nà Hills Golf Club giành chiến thắng Giải thưởng IAGTO Golf Experience 2019 – sân golf mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Theo đó, sân golf Bà Nà đã xuất sắc vượt qua 25 điểm đến nổi tiếng trên thế giới.
Nhằm khuyến khích sự phát triển sân golf tại Việt Nam vừa qua, Tạp chí Vietnam Golf Magazine, Tổng cục TDTT, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) tổ chức Giải Bình chọn sân golf tốt nhất Việt Nam 2019.
Đối với các tay golf, để tìm thấy những thú vui thực sự trong những vòng golf và chạm tay tới đỉnh cao của bộ môn thể thao này việc lựa chọn sân golf đạt tiêu chí quốc tế để tập luyện và thi đấu là điều cần thiết. Mong rằng, với bài viết này các golf thủ sẽ hiểu hơn về những tiêu chí đánh giá sân golf và có những lựa chọn đúng đắn khi chọn sân trong những trận golf sắp tới.