Thể thao là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim bởi những ý nghĩa sâu sắc và đầy cảm hứng mà lĩnh vực này mang lại.
1. Rocky (1976)
Bộ phim xoay quanh cuộc đời của võ quyền anh Rocky Balboa huyền thoại. Võ sĩ vô danh Rocky người Mỹ gốc Ý (Sylvester Stallone) kiếm sống bằng cách đòi nợ thuê. Bỗng một ngày, anh được nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới Apollo Creed thách đấu. Nắm bắt cơ hội này, Rocky lao vào khổ luyện để chứng minh mình có thể đạt được tới đẳng cấp của Tay Đấm Huyền Thoại thực thụ.
Với kinh phí chỉ 1 triệu đô và quay trong chưa đầy một tháng, bộ phim đã làm được những điều kỳ diệu: thu về 225 triệu USD và đoạt ba giải Oscar vào năm 1977. “Giấc mơ Mỹ” không chỉ xảy ra với Rocky trong phim mà còn với cả Stallone ngoài đời, khi ông vụt sáng thành sao sau bộ phim này.
2. Trận đấu vĩ đại nhất (2005)
“Trận đấu vĩ đại nhất” kể về thời trẻ của huyền thoại golf Francis Ouimet, người đã ghi tên mình vào lịch sử thể thao Mỹ khi lập kỷ lục vô địch golf quốc gia lúc chỉ mới 20 tuổi.
Tuy sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nhưng cậu bé Francis lại có mơ ước cháy bỏng: trở thành một tuyển thủ golf giỏi nhất, bất chấp mọi sự khinh khi của những quý tộc lắm tiền khác. Mười năm sau, niềm đam mê dành cho môn thể thao chỉ dành cho giới thượng lưu này trong Francis vẫn không hề thay đổi.
Anh xin được một chân phục vụ, bưng bê gậy, nhặt bóng cho những tay chơi golf giàu có. Cho đến khi nhận thấy được tài năng của Francis, một nhà tài trợ quyết định giúp anh tham gia giải Vô địch quốc gia dành cho các vận động viên không chuyên. Năm 1913, tại giải US Golf mở rộng, chàng thanh niên 20 tuổi đã đánh bại đương kim vô địch Harry Vardon.
3. Bất khuất (2009)
“Bất khuất” dựa trên cảm hứng những sự việc hoàn toàn có thật về vĩ nhân Nelson Mandela. 4 năm sau ngày được tự do, Nelson Mandela lên làm tổng thống Nam Phi. Cộng đồng người da trắng sống trong nỗi sợ bị trả thù, còn người da đen muốn xả hết nỗi phẫn uất, cay đắng bao năm qua.
Lúc này, tại Nam Phi, môn thể thao quốc gia là bóng bầu dục. Đội tuyển quốc gia là Springboks, nhưng mỗi lần có tranh tài, thi đấu, cộng đồng người da đen không bao giờ ủng hộ cho đội nhà mà chỉ cổ vũ cho đối thủ. Bởi đội tuyển Nam Phi hầu như chỉ toàn là vận động viên da trắng.
Trong những ngày tháng đó, khi dân chúng chờ một cuộc cải tổ mạnh mẽ, Mandela lại dành nhiều thời gian cho đội bóng bầu dục. Bởi ông tin rằng sức mạnh của thể thao sẽ phá bỏ mọi rào cản ngôn ngữ, màu da. Đội bóng bầu dục của Nam Phi đã làm nên lịch sử khi chiến thắng giải World Cup dành cho môn bóng bầu dục vào năm 1995.