Golf không chỉ đơn thuần là một môn thể thao, mà còn là cơ hội để doanh nhân rèn luyện trí tuệ và gọt giũa kỹ năng trên thương trường.
Suốt một thời gian dài, golf được xem là môn thể thao chỉ dành cho nhà giàu. Dần dần, nó thu hút thêm sự chú ý từ rất nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có giới doanh nhân. Đối với họ, đây không chỉ là một trò giải trí đơn thuần, mà còn là cơ hội làm ăn giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.
Stan Hanks là một nhà đầu tư, chiến lược gia người Mỹ. Ông từng sáng lập và nắm giữ vị trí CEO tại 14 công ty khởi nghiệp khác nhau trong vòng 24 năm qua. Hiện tại, Hanks đang là thành viên hợp danh tại công ty chuyên về giải pháp nghiên cứu công nghệ Aventurine.
Không chỉ là một doanh nhân giỏi, Hanks còn hoạt động sôi nổi trên diễn đàn hỏi-đáp Quora, với nhiều câu trả lời chất lượng được cư dân mạng tán thành. Cách đây nhiều năm, ông từng có bài chia sẻ về lợi ích của việc chơi golf trong lĩnh vực kinh doanh.
***
Nhiều năm về trước, tôi từng nghĩ chơi golf để làm ăn là chuyện hoàn toàn vô bổ. Tôi là một golfer lão làng, với chỉ số handicap dừng lại ở con số 3. Việc ăn uống hay trò chuyện khi đang chơi golf đều khiến tôi bị tụt hứng.
Trong cuộc đời, không ai đoán trước được điều gì. Tôi chẳng còn chơi golf thường xuyên như trước nữa. Chỉ khi nào cần suy nghĩ kỹ về một điều gì đó, tôi mới vác gậy ra sân, nhưng cũng không toàn tâm toàn ý vào trận đấu.
Thế rồi, ở tuổi 30, tôi thuê Phó Giám đốc Kinh doanh đầu tiên cho công ty tư vấn của mình. Pat làm việc rất xuất sắc, mang về vô số hợp đồng mới. Một ngày nọ, anh ta hỏi tôi trong lúc ăn trưa: “Không biết anh có muốn học chơi golf không?”.
Tôi phá lên cười, cam đoan với Pat rằng “học” không phải là vấn đề. Khi tôi hỏi tại sao lại nhắc tới việc này, vị Phó Giám đốc này mới kể: “Tôi đang thảo luận một hợp đồng lớn, nhưng khách hàng muốn bàn chuyện trên sân golf”.
Tôi thực sự rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Tôi giải thích cho Pat về quan điểm chơi golf của bản thân, không biết mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu phải vừa chơi golf vừa bàn chuyện công việc. Đồng nghiệp của tôi quả quyết rằng mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, miễn là tôi biết chơi golf. Và thế là chúng tôi lên lịch hẹn với khách hàng.
Khoảng 1 tuần sau đó, tôi có mặt tại sân golf 18 lỗ Pecan thuộc CLB Sweetwater Country cùng với 3 người khác: Phó Giám đốc của một công ty trong Top 50 Fortune, trưởng đội kỹ thuật của anh ta và Pat. Đó là một trải nghiệm thú vị, khiến tôi được mở mang tầm mắt.
Pat vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Anh ấy khéo léo bắt chuyện với khách hàng, liên tục đưa ra các câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về tiềm năng của thương hiệu X? Tại sao xây dựng mạng SAN in-house lại là giải pháp tốt hơn so với các yêu cầu I/O song song của cụm siêu máy tính mà công ty đang sử dụng?
Việc chơi golf giúp cả hai bên cảm thấy thoải mái, nhưng vẫn có đủ thời gian để thảo luận các vấn đề trọng tâm. Ngoài ra, môn thể thao này cũng đem lại cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ nhau trong một môi trường thân thiện, không bị ràng buộc bởi trang phục, lời ăn tiếng nói hay nguyên tắc kinh doanh thông thường.
Chúng tôi đã ở cùng nhau liên tục suốt 4 tiếng đồng hồ, sau đó lại đi ăn uống vui vẻ thêm vài ba tiếng nữa.
Ngày hôm đó, không có chuyện gì xảy ra cả. Không hợp đồng nào được ký, không thỏa thuận nào được chốt. Tuy nhiên, buổi làm ăn trên sân golf hôm ấy thực sự rất quan trọng.
Vị Phó giám đốc kia được trực tiếp gặp tôi trong dáng vẻ tự tin nhất, lắng nghe quan điểm của tôi về thương vụ và nhìn tôi giải quyết các khó khăn trước mắt. Tôi có thêm thời gian ở cạnh anh ta, xem anh ta trân trọng và ưu tiên điều gì, liệu anh ta là kiểu người “dám nghĩ dám làm” hay chỉ biết “đánh bóng vào phần sân fairway”. Đây là những yếu tố mà bạn cần biết khi bàn chuyện làm ăn với đối tác.
Quan trọng hơn cả, chúng tôi dành cho nhau gần 6 tiếng đồng hồ liên tục chỉ trong một ngày. Đó là một cơ hội VÀNG mà ai làm kinh doanh cũng muốn, thay vì phải gặp gỡ đối tác trong hàng tá lần suốt nhiều tháng trời. Golf còn giúp chúng tôi thiết lập mối quan hệ chưa từng có. Về mặt kinh tế, nó cũng tạo ra cơ hội kinh doanh đáng giá hàng triệu USD, bởi giờ đây tôi trở thành một “ẩn số đã được giải đáp”.
Kể từ đó, tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về vai trò của golf trong lĩnh vực kinh doanh.
Một trải nghiệm khác khi làm việc cho Enron Broadband càng khiến tôi học hỏi thêm nhiều điều. Vị Phó Giám đốc Kinh doanh ở đây nhấn mạnh: để chốt được những thương vụ trị giá cả chục triệu USD, gặp nhau ở sân golf thôi là chưa đủ, mà còn phải khiến trải nghiệm thực sự thú vị.
Chúng tôi không chỉ đến CLB Golf Pumpkin Ridge, mà còn thuê chuyên cơ tới đón khách hàng tới các sân golf khác ở Pebble Beach, Shoal Creek hay Pacific Dunes. Ngoài các lý do kể trên, hành động này còn để gây chú ý với họ. Thay vì nói vu vơ kiểu “Hay là chúng ta thảo luận chuyện này khi chơi golf?”, bạn nên tỏ ra cụ thể hơn như “Hay là chúng ta thảo luận chuyện này khi chơi golf Ở PEBBLE BEACH?”. Đối tác càng quan trọng, bạn càng cần phải chú ý tiểu tiết.
Vì vậy, khi ai đó ở bộ phận kinh doanh nhờ tôi đi chơi golf cùng, tôi không cảm thấy có vấn đề gì. Đôi lúc, tôi còn tỏ ra háo hức.
Xin hãy chú ý: Điều này chỉ áp dụng nếu bạn làm việc trong môi trường coi trọng golf. Ngày xưa, hầu hết doanh nhân đều chơi golf. Ngày nay, không phải giám đốc cấp cao nào cũng thích thú với bộ môn này. Ngoài ra, sở thích chơi golf còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực khác nhau.
Dù vậy, nguyên tắc làm ăn bao giờ cũng chỉ có một: Làm sao để tạo ra một môi trường thoải mái, nơi hai bên có thể gặp mặt trực tiếp và tự do tìm hiểu lẫn nhau mà không bị gián đoạn hay ràng buộc bởi các luật lệ cứng nhắc”.
***
Câu trả lời trên của Hanks đã nhận được hơn 30.200 upvote từ các thành viên Quora, trong đó có Gisle Solhaug – founder and CEO of Rational Golf LLC hay Karen Marie Shelton – Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Chính sách công tại ĐH Saint Louis University.
Chơi golf không chỉ giúp doanh nhân tăng cường sức khỏe và tận hưởng những giây phút thư giãn sau giờ làm việc. Đây cũng là cơ hội để họ trau dồi trí tuệ và gọt giũa những kỹ năng mềm cần thiết để thăng tiến trong sự nghiệp.