Môn golf đã không còn xa lạ với người Việt, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid xuất hiện, các sân golf Việt Nam đã thu hút được 3 triệu lượt khách trong và ngoài nước với doanh thu lên tới 4.500 tỷ đồng. VietnamFinance trân trọng giới thiệu tuyến bài viết về golf Việt Nam của một người mê golf và đã gắn bó nhiều năm với môn thể thao này. Tòa soạn rất mong nhận được các ý kiến phản hồi của bạn đọc gần xa.
Cuối tuần tính đi Đầm Vạc làm vài vòng golf nhưng gọi mãi vẫn không book được sân. Nhờ qua anh bạn quê Vĩnh Phúc, anh thanh minh: “Vừa mới nới lỏng giãn cách Covid nên các golfer đói bóng, sân chật kín người chơi, không chỉ Đầm Vạc, em gọi cho cả Tam Đảo, Đại Lải đều không thể book được, giữa tuần sau anh ngày nào để em book”.
Thời của kinh tế thị trường, hiếm có một dịch vụ nào như golf, muốn chơi phải đặt trước. Chẳng may rơi vào ngày nghỉ, kiếm một chỗ giao lưu bạn bè cũng không dễ.
Môn thể thao gây tranh cãi
Lỡ mất trận golf đành ngậm ngùi ở nhà mở máy online thấy nhan nhản bài viết chỉ trích việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa ở Gia Lai. Tôi đã nhiều lần đến xứ này, thấy nhiều thông tin thiếu chính xác nên có vài lời.
Sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt “Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”. Trình tự phê duyệt phải qua nhiều bước thẩm định, với sự tham gia của các cấp, ngành kéo dài hàng năm trời, không ai dám bỗng chốc thò bút ký.
Nghị định 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Theo đó, dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất, không phải là rừng tự nhiên, phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp…
Khu vực Đak Đoa là rừng trồng, thông mọc lơ thơ, vài chỗ cỏ dại phủ kín, có cây khá dày đã được các anti-golf (tẩy chay golf) tranh thủ chụp lấy làm bằng chứng để kêu cứu bảo vệ rừng. Thường thì những thứ hay ho, thu hút giới tinh hoa, bên cạnh các fans đông đảo sẽ có một lượng đáng kể anti-fans tẩy chay.
Ai đã có dịp lội vào sân golf đều thấy, những người thiết kế sân golf rất biết cách tận dụng cây xanh sẵn có, không ai dại gì đốn hạ để rồi phải trồng mới mất rất nhiều công sức chăm sóc cho cây khép tán. Một sân golf đẹp phải có cảnh quan hài hòa, ngoài thảm cỏ xanh còn phải có rừng cây, hồ nước… thiếu màu xanh, sân golf kém hấp dẫn, ít người chơi.
Mục tiêu của mỗi dự án làm sân golf đều phải giữ lại rừng để bảo vệ cảnh quan, môi trường, không ai dại gì chặt hạ. Nhỡ có cây to mọc giữa fairway đều để vậy và coi đó như là thử thách để các tay golf biết cách né tránh. Câu chuyện ở Đak Đoa không còn mới với giới đầu tư: Trong lịch sử ba mươi năm môn golf quay lại với người Việt, đã có rất nhiều câu chuyện tương tự.
Nhớ lại chuyện cách đây mấy năm, bức xúc trước việc quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và nhu cầu mở rộng cảng hàng không, một số người đã chớp lấy thời cơ lên án sân golf là tội đồ của sự quá tải sân bay. Người dân ít thông tin vỗ tay rầm rộ, một số nhà báo bàn phím cổ vũ thế là lớn chuyện.
Thực ra thì dự án sân golf tại Sân bay Tân Sơn Nhất đã có trong hồ sơ quy hoạch của người Mỹ, với mục đích làm khu giải trí cho sỹ quan và phi công. Sau này chúng ta tiếp quản, có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, thấy hợp lý nên cho làm. Đây cũng là cách tận dụng khu đất dự trữ quốc phòng trong thời bình còn nhàn rỗi để phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động.
Thực ra thì sân golf chiếm diện tích chỉ non trăm héc, trong khi nhu cầu mở rộng sân bay cần đến cả ngàn héc. Sân golf không phải là tội đồ của việc lấn chiếm, thu hẹp sân bay.
Tẩy chay golf vì hiểu không đúng về golf
Hai năm trước, hẹn hò với ông bạn ở quê, rằng, dịp nghỉ lễ sắp tới, về quê, tiện thể ghé sân Nghi Xuân của tập đoàn Mường Thanh làm vài vòng golf, lão giãy nảy: sân golf chỉ dành cho đám quan chức lắm tiền, nông dân không được xơ múi gì về cái sân golf ấy, rằng cả ngàn năm nay, người Việt làm nông nghiệp vẫn không khá lên được.
Thực tế, việc sử dụng một số đất xấu, xen kẹt làm sân golf, phục vụ người chơi, không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài, giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động, thu ngân sách tương đương với việc thu thuế nông nghiệp cả huyện. Như huyện Nghi Xuân diện tích 22.000 hécta, bỏ ra mấy chục héc đất ngập mặn ven biển làm sân golf tạo thành quần thể nghỉ dưỡng ven biển hấp dẫn cho khách khắp nơi về đó tiêu tiền, người dân làm ra nông sản có chỗ tiêu thụ, con em có thêm việc làm, ngân sách có thêm nguồn thu… Thử đặt lên bàn xem, trước khi kết tội sân golf!
Thế rồi bạn tôi cũng theo gót mấy “con nghiện” ra sân golf. Thoạt tiên lão khoe mấy tấm hình “check-in” ở sân golf rồi mượn gậy vung vít làm dáng. Hôm sau lão gọi cho tôi rằng: Muốn kiếm bộ gậy tầm trung để chơi golf. Tôi nói: mấy tháng trước, nói đến golf ông mới chối đây đẩy, phản đối kịch liệt coi như thế lực thù địch, giờ không chỉ bị nó cám dỗ mà còn đổi màu!
Bạn tôi giờ đã khác rồi. Một môn thể thao được giới chính khách, các doanh nhân và những người thành đạt lựa chọn hẳn phải có lý của nó. Rồi bạn thao thao bất tuyệt về những lợi ích của golf khiến tôi cũng phải ngạc nhiên: với 18 hố golf mỗi trận và đi bộ mươi cây số, mọi bộ phận của cơ thể đều có thể được vận động và tập luyện. Chơi golf cũng rèn luyện trí óc của con người, vì đây là môn thể thao đòi hỏi trí tuệ. Để xử lý từng đường bóng, cần sử dụng trí não, trong khi chiến đấu để rèn luyện thể lực thì người chơi cần phải hoạt động trí óc nhiều hơn…
Cần phải nói them rằng, không trò chơi nào buộc người ta phải liên tục tự hoàn thiện mình liên tục như golf. Một công dân tốt trên sân golf cũng có nghĩa là một golfer trung thực, khiêm tốn, lịch sự, cư xử đúng mực và tình thương với mọi thứ trên sân. Trong khi chơi golf, những người lịch lãm biết hòa nhập với sân golf và trở thành người bảo vệ yêu và tôn trọng thiên nhiên. Điều này giống với triết học của Lão Tử rằng phải tôn trọng “sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên”. Mới chơi golf chưa được năm nhưng tôi thấy quá trình theo đuổi golf cũng là quá trình nâng cao phẩm chất của chính mình.
Những “con nghiện” ma túy xanh
Chuyện anh bạn tôi ở xứ Nghệ chỉ là một trường hợp, từ chỗ tẩy chay golf kịch liệt để rồi khi tĩnh tâm tìm hiểu đã tự biến mình thành một “con nghiện” ma túy xanh. Có ông sau một thời gian chơi golf còn hùng hồn tuyên bố: Có thể bỏ rượu, bỏ thuốc lá, thậm chí là bỏ vợ nhưng không thể bỏ được golf và sẵn sàng “chung thân” với trò chơi ma mị này.
TS Nguyễn Văn Hảo, một doanh nhân trưởng thành từ Đông Âu, từng làm Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam tổng kết: “Gọi golf là môn thể thao chưa đủ, golf còn là một môn thể thao tinh thần, khi tập trung vào nó, bạn phải tìm kiếm sự cân bằng nhất định: sự cân bằng giữa cơ thể và tinh thần, sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên, sự cân bằng giữa vật chất và ý thức… Khi tìm thấy sự kết hợp hài hòa của tất cả những điểm này và tuân thủ một số luật nhất định, bạn là người hiểu golf và có thể gọi là golfer đúng nghĩa”.
Cũng chính vì sức hấp dẫn của golf nên số lượng người chơi golf ở VN không ngừng tăng qua các năm. Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, năm 2019 , Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng. Riêng quý I/2020, lượng khách và doanh thu vẫn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, trước khi ngành golf chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Du lịch golf đang sở hữu nhiều cơ hội phát triển khi lượng người chơi tăng mỗi năm. Hiện nay, đã có hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam chơi golf. Ngành golf đang mở ra cho du lịch Việt Nam cơ hội rất lớn để phát triển trong tương lai, khi đại dịch lùi xa và kinh tế phục hồi.
Theo VNF