Tình huống gậy golf bị hỏng trong khi đang thi đấu không phải là điều hiếm thấy hiện nay. Đôi khi chỉ từ một tác động đơn giản như uốn cong gậy hay đập gậy trúng rễ cây cũng có thế khiến gậy bị gãy. Đó là chưa kể trang bị này còn thường xuyên được các golfer dùng để “trút giận” sau một cú đánh hỏng.
Theo luật golf cũ, bất kỳ gậy golf nào bị hư hỏng khi vòng đấu đang diễn ra sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, áp dụng với những tổn hại nhỏ nhất trên gậy và có thể nhận thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên kể từ khi luật golf thay đổi vào năm 2019, quy định này đã được nới lỏng.
Cụ thể theo luật 4.1, nếu gậy hợp chuẩn của người chơi bị hư hỏng giữa vòng đấu, người đó có thể chọn tiếp tục dùng gậy đó để thực hiện cú đánh trong phần còn lại của vòng đấu, hoặc có thể sửa chữa gậy bằng cách phục hồi gần nhất có thể tình trạng trước khi bị hư hỏng trong vòng đấu miễn là không trì hoãn cuộc chơi. Dù vậy bạn không được phép dùng gậy hỏng khi qua vòng đấu mới hoặc play-off.
Với trường hợp cố gắng sửa chữa, người chơi bắt buộc vẫn phải sử dụng tay nắm, cán gậy và đầu gậy ban đầu. Ngoài ra bất kỳ hư hỏng nào có sẵn trước vòng đấu đều không được phép sủa chữa cũng như không được thay thế gậy hỏng bằng một gậy khác ngoài túi gậy của mình.
Quy định trên áp dụng với hư hỏng trong vòng đấu được gây ra bởi người chơi trong bất kỳ tình huống nào, bao gồm hậu quả sau khi thực hiện cú đánh hay từ một cơn nóng giận
Trong trường hợp gậy hư hỏng bởi một tác động bên ngoài như yếu tố tự nhiên hay bởi bất kỳ người nào khác trừ người chơi và caddie của họ, người chơi có thể thay thế gậy đó bằng bất kỳ gậy nào khác và phải theo hạn chế từ luật 4.1b(4). Tuy nhiên khi làm điều này, họ phải lập tức bỏ gậy bị hư ra khỏi cuộc chơi theo quy trình ở luật 4.1c(1).
Như vậy với việc nới lỏng, người chơi có thể an tâm tiếp tục vòng đấu với gậy bị hỏng mà không cần phải lo lắng việc bị phạt. Chỉ khi quyết định sửa chữa hay thay thế, họ phải tuân thủ các quy định trong luật 4.1 để tránh việc bị phạt khi thi đấu.
Theo: golfnews.vn