Một hố golf bắt đầu hợp chuẩn khi người chơi thực hiện cú đánh bóng để bắt đầu hố đó từ bên trong khu vực phát bóng (teeing area).
Đầu tiên khi bắt đầu hố, golfer cần làm rõ khu vực phát bóng không chỉ là đường ngang nối giữa hai vật đánh dấu điểm phát bóng (tee marker) mà là một hình chữ nhật có cạnh bằng chiều dài hai gậy về phía sau, với mặt trước và mặt bên của mỗi marker được sử dụng để xác định giới hạn ngoài phạm vi. Vì vậy nếu các marker được đặt cách xa nhau, khu vực phát bóng có thể tương đối lớn.
Một quả bóng được coi là nằm ngoài khu vực phát bóng khi toàn bộ quả bóng nằm bên ngoài khu vực phát bóng và ngược lại, bóng đã nằm trong khu vực phát bóng nếu bất kỳ phần nào của bóng chạm hoặc nằm bên “đường ranh giới” của khu vực phát bóng. Tuy nhiên, golfer có thể đứng bên ngoài khu vực phát bóng để thực hiện cú đánh vào một quả bóng ở bên trong nếu nó phù hợp với ý đồ đường bóng hoặc chiến thuật chơi hố đó.
Hình phạt của việc đánh bóng bắt đầu hố từ ngoài khu vực phát bóng hoặc sai tee (ví dụ BTC setup tee đúng cách mục tiêu 222 yard nhưng golfer lại chơi từ tee cách 204 yard) có sự khác biệt đáng kể giữa đấu gậy (stroke play) và đấu đối kháng (match play).
Việc đánh bóng bên ngoài phạm vi cho phép của khu vực phát bóng (luật 6.1b) thường xảy ra do người chơi thiếu tập trung, quá lo lắng về cú swing hay khi các tee marker đặt cách xa nhau, vô hình trung làm golfer đặt bóng vượt phạm vi về phía trước. Trong khi đó, tình huống chơi sai tee, nhầm hố hiếm xảy ra hơn, xuất phát từ việc các tee được thiết lập gần nhau, trên một sân đấu mà người chơi không quen thuộc, chưa nắm rõ địa hình.
Với đấu gậy, nếu đánh bóng từ phía trước hoặc bên ngoài phạm vi tee marker, golfer sẽ nhận hình phạt chung – hai gậy phạt và sau đó phải sửa lỗi bằng cách đánh bóng từ khu vực phát bóng chính xác, trước khi thực hiện một cú đánh để bắt đầu hố tiếp theo hoặc ở hố cuối cùng, trước khi nộp bảng điểm. Nếu không, họ sẽ bị truất quyền thi đấu.
Lưu ý, bất kỳ cú đánh từ bên ngoài khu vực phát bóng hoặc tee sai (tính cả gậy phạt từ cú đánh đó) trước khi sửa lỗi sẽ không được tính vào điểm của hố. Ví dụ, ở một trận đấu gậy, golfer lên green sau ba gậy nhưng phát hiện mình đã phát bóng ở ngoài khu vực quy định. Người này lập tức về khu vực đúng sửa lỗi và dùng năm gậy để chốt hố. Như vậy, tổng điểm hố của golfer sẽ là bảy gậy – đã cộng thêm hai gậy phạt theo luật 6.1b.
Còn trong đấu đối kháng, golfer sẽ không bị phạt, song đối thủ của họ lập tức có thể yêu cầu huỷ cú đánh và chơi một quả bóng khác từ trong khu vực phát bóng hợp lệ. Nếu đối thủ không huỷ cú phát bóng vừa rồi, cú đánh đó được tính và golfer cần chơi tiếp từ nơi bóng nằm. Khả năng huỷ và không huỷ ở tình huống này có thể phụ thuộc vào cú đầu hố có tốt hay không. Đừng quá ngạc nhiên nếu bạn không được yêu cầu đánh lại khi cú phát bóng vừa rồi lạc vào rừng.
Ngoài ra khi đánh bóng ở bên trong khu vực phát bóng, golfer không bắt buộc phải dùng cọc tee hợp chuẩn (được đặt trong hoặc trên mặt đất) mà có thể đặt bóng dưới đất để đánh – luật 6.2b. Trong đó, “mặt đất” bao gồm cát, các vật thể tự nhiên được gom lại để cắm cọc tee hoặc đặt bóng lên.