Golf vốn không dễ chơi và với một bộ luật phức tạp đi kèm, người theo đuổi môn thể thao này luôn cần phải cập nhật kiến thức và thuật ngữ thường xuyên. Một trong số những vấn đề có thể khiến golfer bối rối chính là thể thức thi đấu rất đa dạng với nhiều quy định hay cách tính điểm khó nhớ.
Do đó việc nắm vững các thể thức trong golf, nhất là các luật dành riêng cho thể thức đó bên cạnh bộ quy định chung, có thể giúp người chơi dễ dàng hiểu rõ và đối phó với những tình huống bất ngờ trên sân golf bởi trong một vài thể thức, trọng tài có thể không xử lý lỗi của một người chơi nếu như không nhận được khiếu nại từ golfer đánh chung.
Hằng năm có rất nhiều giải đấu golf lớn nhỏ trên khắp thế giới và tại Việt Nam. Nhiều hình thức thi đấu khác nhau có thể kể đến như đấu gậy, đấu đối kháng hay đấu đồng đội đối kháng,…
Có những giải golf áp dụng duy nhất một hình thức thi đấu nhưng cũng có những giải áp dụng nhiều hình thức tại các vòng. Mỗi giải đấu sẽ được ban tổ chức chọn lựa một hình thức thi đấu khác nhau và quy định rõ ràng trong điều lệ giải đấu đó.
Những thể thức thi đấu phổ biến trong golf
Trong golf có nhiều hình thức thi đấu, tuy nhiên có 2 hình thức thi đấu phổ biến mà các golf thủ cần nắm rõ là đấu đối kháng (Match Play) và đấu gậy (Stroke Play). Bên cạnh đó, các hình thức thi đấu như Stableford và hai hình thức đấu đồng đội được nhiều golfer yêu thích là Foursome và Four ball,…
Đấu gậy (Stroke Play)
Đây là một trong hai thể thức thi đấu và tính điểm cơ bản bên cạnh match play. Với thể thức này, người chơi sẽ thi đấu một vòng 18 hố để chọn ra golfer chiến thắng toàn giải (hay Best Gross) là người có tổng số gậy thấp nhất. Thông thường ở các giải chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư trình độ cao, người tham dự sẽ phải thi đấu từ ba đến bốn vòng. Ở Việt Nam, rất nhiều giải nổi tiếng thi đấu theo thể thức này như trên hệ thống VPGA Tour hoặc các giải Vô địch Nghiệp dư Quốc gia, cũng như các giải dành cho junior.
Riêng ở một số giải hướng đến đối tượng phong trào, những golfer có điểm Net tốt nhất (số gậy tổng trừ đi handicap) cũng sẽ nhận các danh hiệu nếu như giải thi đấu stroke play tính theo handicap của người chơi. Ngoài ra đôi khi thể thức này còn được sử dụng để xếp loại hạt giống các golfer và cắt bớt số người tham dự trước khi vào các thể thức khác.
Đấu đối kháng (Match Play)
Đây là thể thức thường được sử dụng trong các giải đấu có tính chất đối kháng 1 vs 1 (hoặc đội vs đội) như giải Vô địch Đối kháng Quốc gia, hay giải Vô địch các CLB golf toàn quốc, VGA Union Cup. Trong đó hai người chơi sẽ đối đầu trực tiếp với nhau qua mỗi hố golf. Người nào có số gậy thấp hơn ở một hố sẽ giành chiến thắng ở hố đó mà không quan trọng tổng số gậy của người đó. Nếu hai người có cùng số gậy, hố đấu sẽ kết thúc với kết quả hòa.
Sau 18 hố, người nào thắng nhiều hố nhất sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Nếu vẫn có kết quả hòa, trận đấu có thể bước vào loạt đánh play-off qua từng hố để xác định người chiến thắng.
Foursomes (Đánh luân phiên)
Thể thức Foursomes (xem thêm Luật 22 trong Luật Golf 2019) hay “alternate shot” là hình thức đấu giữa hai nhóm, mỗi nhóm gồm hai golfer. Mỗi người trong nhóm sẽ luân phiên đánh bóng, với một người phát bóng ở hố lẻ trong khi người còn lại phát bóng ở hố chẵn mà không cần quan tâm đến thứ tự đánh của hố trước đó.
Tuy foursomes thường được thấy ở một trận match play với cách tính kết quả tương tự, trên thực tế thế thức này cũng có thể áp dụng trong stroke play với đội nào ít gậy hơn qua tất cả vòng đấu sẽ giành chiến thắng. Foursomes trong stroke play có thể đi kèm với một vòng four-ball với nhiều giải đấu sử dụng thể thức này như World Cup of Golf hay Zurich Classic ở PGA Tour.
Foursomes hiện nay có một số biến thể như Greensome, Scotch foursome hay Mixed Foursome. Mixed Foursome có hình thức tương tự nhưng một đội sẽ gồm nam và nữ.
Với Scotch foursome, cả hai golfer đều sẽ phát bóng (vẫn tính là 1 gậy cho cú phát bóng của đội) và chọn ra vị trí bóng tốt nhất, sau đó người không được chọn sẽ đánh tiếp cú thứ hai.
Four-ball
Tương tự như foursomes, four-ball (xem thêm Luật 23 trong Luật Golf 2019) cũng dành cho một nhóm 4 golfer với hai người chơi thuộc một đội. Ở hình thức này, mỗi golfer đều tự đánh quả bóng của chính mình và điểm số tốt nhất từ thành viên của một đội sẽ được tính làm kết quả hố cho đội đó.
Four-ball, hay còn có tên khác là better ball, cũng có thể chơi theo stroke play hoặc match play. Một biến thể khác của hình thức này là Best-Ball, theo đó một người chơi thi đấu với một đội có hai hoặc ba golfer mà mỗi golfer sẽ đánh rei6ng bóng của họ (tức một cá nhân đấu với ba golfer chung một phe).
Better/ Best Ball
Thể thức thi đấu Better hay Best ball bao gồm các đội có 2, 3 thậm chí là 4 golf thủ, có thể chơi theo đấu gậy hoặc đấu đối kháng. Cũng tương tự như Fourball, mỗi thành viên trong đội sẽ chơi bóng của mình trong suốt trận đấu. Sau khi kết thúc một hố, golf thủ có điểm thấp nhất trong đội chính là điểm của đội đó.
Ví dụ cụ thể: Trên một Par-4, đội 1 golf thủ A đạt 5 điểm trong khi golf thủ B có 4 điểm. Đội 2 golf thủ C có 3 điểm và golf thủ D là 6 điểm. Đội 1 sẽ sử dụng điểm số của golf thủ B là điểm của đội và đội 2 sẽ sử dụng điểm số của golf thủ C. Sau khi kết thúc 18 lỗ golf, đội nào có điểm số tổng thấp nhất sẽ là đội chiến thắng.
Stableford
Stableford (xem thêm Luật 21 trong Luật Golf 2019) cũng là một thể thức thi đấu phổ biến ở các giải cá nhân hoặc đồng đội. Trái với stroke play, stableford hướng đến việc xếp hạng người chơi dựa theo một hệ thống điểm với golfer chiến thắng là người có điểm cao nhất.
Cụ thể hệ thống điểm này được Luật Golf 2019 quy định trong luật 21 như sau:
- Double Bogey hoặc tệ hơn (hoặc không kết thúc hố) – 0 điểm
- Bogey – 1 điểm
- Par – 2 điểm
- Birdie – 3 điểm
- Eagle – 4 điểm
- Albatross (hay Double Eagle) – 5 điểm
- Condor (hay Double Albatross, Triple Eagle) – 6 điểm
Theo đó người chơi hoặc đội có số điểm cao nhất sau tất cả vòng đấu sẽ là người giành chiến thắng.
Par/Bogey (xem thêm Luật 21.3 trong Luật Golf 2019)
Trong thể thức này, người chơi hoặc một đội sẽ phải trải qua vòng đấu với số gậy mục tiêu cố định được quy định bởi ban tổ chức giải, thông thường là Par hoặc Bogey.
Người chơi sẽ thắng hố nếu hoàn thành hố đó với ít gậy hơn số gậy mục tiêu. Ngược lại nếu nhiều gậy hơn số gậy mục tiêu, họ sẽ thua hố. Sau vòng đấu, người chơi sẽ lấy tổng số hố thắng trừ đi tổng số hố thua. Golfer hoặc đội có hiệu số lớn nhất sẽ là người chiến thắng.
Scramble
Thể thức này được áp dụng cho nội dung đồng đội, với mỗi đội có thể từ 2 đến 4 golfer. Bước vào trận đấu, mỗi thành viên trong đội sẽ phát bóng của mình và cùng nhau chọn ra cú đánh tốt nhất. Sau đó người chơi có bóng được chọn sẽ phải đánh dấu vị trí này, trong khi các thành viên còn lại di chuyển bóng của họ về gần điểm đánh dấu và thả trong khoảng cách một gậy (hoặc 1 tờ scorecard), miễn không gần hố hơn và cải thiện vị trí bóng so với điểm được chọn.
Tất cả sẽ tiếp tục thực hiện cú đánh thứ hai và lặp lại quá trình trên cho đến khi một thành viên đưa được bóng vào hố. Điểm của đội sẽ là điểm tổng của các cú đánh tốt nhất được chọn.
Scramble từng được áp dụng cho sự kiện QBE Shoutout trên PGA Tour hoặc giải Cặp golfer hoàn hảo 2020 của Hội golf TP.HCM. Thể thức này có một biến thể mang tên Texas Scramble, trong đó quy định số lần chọn bắt buộc cho các cú phát bóng của mỗi thành viên.
Ambrose
Ambrose có hình thức giống hệt Scamble, tuy nhiên handicap sẽ được áp dụng như trong stroke play với handicap đội được tính bằng cách lấy tổng handicap của các thành viên chia cho 8 (với đội 4 người), cho 6 (với đội 3 người) hoặc cho 4 (với đội 2 người). Điểm Net của đội sẽ là điểm Gross trừ đi cho handicap đội.
Skins
Đây là một kiểu đấu đối kháng với mỗi hố là một “skin” mang giá trị tiền thưởng (hoặc điểm số) khác nhau. Để giành trọn vẹn số tiền thưởng của một hố, người chơi sẽ cần có số gậy thấp nhất ở hố đó. Trong trường hòa, sồ tiền “skin” sẽ được cộng dồn vào hố kế tiếp và tiếp tục như thế cho đến khi có người chiến thắng. Người thắng sẽ nhận tất cả tiền cộng dồn và bắt đầu hố tiếp theo với phần thưởng trở về giá trị quy định ban đầu.
Skins khá phổ biến trên PGA Tour trong giai đoạn 1983-2008, tuy nhiên đã vắng bóng trong hơn 10 năm sau đó và chỉ trở lại từ sự kiện The Challenge: Japan Skins nhân dịp Zozo Championship 2019. Thông thường các trận skin được PGA Tour tổ chức trong tháng 11-12 cuối năm và chỉ 4 golfer nhận được lời mời tham dự.
Greensome (hay Canadian Foursomes)
Một biến thể của foursomes với quy định hai golfer trong đội đều phải thực hiện cú phát bóng và sau đó chọn ra cú đánh tốt nhất (vẫn tính là 1 gậy cho cú phát bóng của đội). Golfer có bóng được chọn sẽ tiếp tục đánh cú thứ hai, trong khi người còn lại thực hiện cú thứ ba và tiếp tục luân phiên cho đến khi hoàn thành hố.
Patsome
Trong 18 hố ở hình thức này, 6 hố đầu thi đấu Four-ball, 6 hố giữa thi đấu Greensome và 6 hố cuối thi đấu Foursomes. Đôi khi trình tự của các thể thức có thể bị thay đổi.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về thể thức thi đấu phổ biến. Hy vọng sẽ giúp các golfer nắm chắc hơn về thuật ngữ cũng như kỹ thuật trong môn thể thao quý tộc này